Thứ Ba, 08/10/2024 05:28 SA
Sản xuất sạch để tăng hiệu quả kinh tế
Thứ Hai, 18/02/2019 07:00 SA

Mô hình lúa sạch tại huyện Sông Hinh - Ảnh: MINH DUYÊN

Dùng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, lấy thiên địch phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước kia là những cách mà nông dân vùng miền núi của tỉnh đã và đang thực hiện để hướng tới sản xuất sạch. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường mà còn cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Người dân chuộng thực phẩm sạch

 

“Không có đủ cam, quýt bán, cung không đủ cầu” đó là chia sẻ của anh Tạ Quốc Linh ở buôn Ea Mkeng (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) về vụ thu hoạch đợt Tết Nguyên đán vừa qua. Điều đặc biệt, quýt tại các chợ, cửa hàng từ Đắk Lắk, Gia Lai đưa xuống không thiếu nhưng khách hàng vẫn chuộng trái cây từ trang trại của gia đình anh, chỉ bởi nó sạch không có thuốc trừ sâu.

 

Chị Nguyễn Thị Ly ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho biết: Cuối tuần nào về Tuy Hòa tôi cũng qua trang trại của anh Linh mua vài ký cho gia đình và hàng xóm. Quýt mọng nước, ngọt, hơn hết là tôi biết anh trồng bằng công nghệ sạch nên rất tin tưởng. Đợt Tết vừa rồi đặt mãi anh mới giữ lại được 20kg cho tôi vì thương lái họ đặt mua hết trước rồi. Giá cũng chỉ ngang với giá trên thị trường, từ 20.000-25.000 đồng/kg.

 

Còn anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Người thân, bạn bè ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu thường nhờ tôi mua gom giúp gạo đỏ lúa rẫy, gạo đồng sạch. Mặc dù giá gạo loại này từ 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn trung bình từ 5.000 đồng/kg so với các loại gạo thông thường bày bán trên thị trường nhưng họ vẫn mua. Không chỉ có gạo, nhiều nông sản khác từ rau củ đến hoa quả, thực phẩm, sạch là tiêu chí đầu tiên thu hút và giữ chân người mua.

 

Nhờ bón phân hữu cơ mà vườn cây trái của anh Linh luôn cho sản lượng cao - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Nông dân thay đổi tư duy sản xuất

 

Y Mốc ở xã Ea Chà Rang có 3 sào ruộng, từ khi áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, lúa của anh không lo đầu ra. Theo Y Mốc, trước anh tốn chi phí mua phân, thuốc mà lúa bán chậm, có khi giá chỉ như lúa tạp làm thức ăn cho gia súc.

 

“Người mua họ ngại bà con mình dùng phân, thuốc hóa học vô tội vạ, ăn vô bệnh thêm. Giờ thấy mình làm bằng kỹ thuật mới, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu thì yên tâm sử dụng và sẵn sàng trả giá cao. Vụ hè thu vừa rồi, tôi bán 9.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn 4.000 đồng/kg so với năm ngoái”, Y Mốc nói.

 

Với anh Tạ Quốc Linh cũng vậy, để có được hiệu quả kinh tế như hôm nay, 3 năm trước anh đã chọn con đường sản xuất sạch. Anh Linh cho biết: Tôi mua đậu nành, bắp về xay nhỏ, kết hợp với cá tạp, ủ vôi và men vi sinh theo tỉ lệ và thời gian nhất định để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây.

 

Nhờ thế, hệ vi sinh vật có lợi trong đất được khôi phục, đất không còn chai cứng, có thêm dưỡng chất nuôi cây và thu hút thiên địch tấn công lại sinh vật có hại. Cây lớn thì cỏ tạp cũng mọc nhiều, tôi không dùng thuốc diệt cỏ mà dùng máy cắt cỏ rồi gom cỏ lại làm phân xanh.

 

Năm đầu tốn công, tốn sức, kinh phí đầu tư, nhưng đến năm thứ hai, đất phục hồi lại thì mình khỏe vì giảm được rất nhiều chi phí phân, thuốc. Hơn hết là bảo vệ được sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Hiệu quả kinh tế cũng đạt cao, năm rồi tôi thu sản lượng 1-2 tấn/ha trái cây, mang lại thu nhập từ 200-300 triệu đồng.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngân ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), giờ trồng rau sạch thì chẳng lo đầu ra. Các thương lái tới tận vườn, nhìn qua là biết sạch hay không. Sản phẩm sạch thì họ trả giá cao và lần sau mua tiếp, không sạch thì giá thấp, mua một lần rồi thôi.

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Diện tích trồng cây ăn trái, rau màu và cây lương thực ở địa phương ngày một tăng. Đây là các loại cây phục vụ trực tiếp sinh hoạt hàng ngày của người dân nên vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm rất được quan tâm. Trong năm qua, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất, giúp người trồng tiếp cận với công nghệ sạch.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong điều kiện đất, nước bị ảnh hưởng do lượng phân, thuốc hóa học tồn dư nhiều thì sản xuất sạch là xu thế tất yếu để có một nền nông nghiệp bền vững vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe con người vừa tăng hiệu quả kinh tế. Thu nhập của người dân vùng miền núi phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nên sự thay đổi kịp thời này là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Nông nghiệp tỉnh ta nói chung và cho phát triển ổn định của vùng miền núi nói riêng.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek