Bò sữa thất bại, bò lai xuống giá, đàn vịt lãi thấp vì người tiêu dùng sợ H5N1, mấy con heo trong chuồng thấp thỏm sợ lở mồm, long móng và dịch tai xanh. Trước cảnh bấp bênh tưởng chừng không lối thoát, vợ chồng anh NC ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chuyển sang nuôi nhím thử xem sao.
Heo rừng lai nuôi ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) - Ảnh: K.DUY |
Khởi sự, anh C mua 3 con nhím giống gồm hai cái, một đực từ TP HCM về thả vào góc chuồng heo đang bỏ trống, ngày ngày chị N ra chợ góp nhặt lá rau, cuống bắp cải và mua thêm vài ngàn đồng sắn, khoai lang thải làm thức ăn cho nhím. Không ngờ mấy con nhím tranh nhau xơi loại thực phẩm rẻ tiền này. Mỗi tháng chúng lớn lên trông thấy. Đến cuối năm, hai cô nhím cái lần lượt cho ra đời 3 cặp nhím con. Đến lúc này anh chị mới thật sự quan tâm, xây dãy chuồng tường gạch cao 90cm, rào lưới B40, mái lợp tôn sơ sài, chia thành 10 ngăn. Anh C cuốc đất trồng rau lang, khổ qua (nhím ăn cả lá, rễ, quả, hạt), còn chị N thường xuyên ra chợ thu gom các loại rau, củ, quả mà người ta thải ra. Đây là nguồn thức ăn cho nhím khá dồi dào, ít tốn kém. Nhím con tăng trọng mỗi tháng 1kg, còn hai nhím mẹ cứ khoảng 100 ngày đẻ một lứa. Cứ thế, chưa đầy 3 năm, 10 ngăn chuồng đã không còn chỗ cho đàn nhím. Anh chị NC đã xuất bán gần chục cặp nhím giống thu được 30 triệu đồng.
Tiếng lành đồn xa, giờ đây mỗi ngày anh chị phải tiếp nhiều người từ khắp nơi đến tìm hiểu kinh nghiệm và mua nhím giống. Còn mấy ông chủ quán nhậu cũng yêu cầu để dành nhím thịt với giá 100.000đ/kg hơi, số lượng bao nhiêu cũng bao tiêu hết nhưng chủ nhà không dám hứa vì phải đảm bảo cho khách hàng đã đặt tiền cọc.
Anh V.L ở thành phố Tuy Hòa là chủ một trang trại chuyên trồng hoa mai, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, nuôi heo, gà, bò, cá. Làm ăn có hiệu quả nhưng muốn khá hơn, anh đã chuyển một phần diện tích sang nuôi heo rừng lai. Anh mua heo cỏ giống (hiện có rất nhiều ở miền núi) và mua được một con heo rừng đực khỏe mạnh do người dân đánh bẫy. Lúc đầu, anh lai tạo theo công thức cái nhà, đực rừng nhưng về sau đàn heo tăng lên thì công thức này bị phá vỡ do đàn heo tự phát. Chưa đầy 2 năm, đàn heo rừng lai đã lên mấy chục con. Người tiêu thụ chẳng quan tâm mấy đến dáng dấp, trọng lượng, miễn là tướng mạo giống heo rừng, có khi heo sọc dưa càng tốt. Người mua giống tự do lựa chọn, giá 300.000đ/kg hơi, số bị “chê” cũng không đủ chạy vào lò nướng quán nhậu với giá cũng hấp dẫn không kém gì bán giống.
Nhím và heo rừng là hai loài thú đặc sản dễ nuôi, ít tốn kém, lại chưa thấy dịch bệnh. Người nuôi không bận tâm lo đầu ra của sản phẩm, nên nhiều hộ làm kinh tế VAC các tỉnh Nam Trung bộ đang chuyển hướng sản xuất, nhân rộng mô hình. Vấn đề còn lại là ngành kiểm lâm cần thừa nhận, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, không máy móc trong việc quản lý thú nuôi và thú hoang dã thì người lao động và toàn xã hội sẽ có lợi.
NGƯỜI LÀM VƯỜN