Thứ Tư, 09/10/2024 05:21 SA
“Khơi thông” đầu ra cho nông sản miền núi
Thứ Năm, 24/01/2019 11:07 SA

Nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua sắn nguyên liệu của người dân ngay tại ruộng - Ảnh: MINH DUYÊN

Sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập chủ yếu cho bà con vùng miền núi, vì vậy, việc giải bài toán tiêu thụ nông sản luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Tỉnh đã có quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhà máy chế biến, cùng với đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề… Đây là những cơ hội để người dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng với các nhà máy và tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại.

 

Nhiều cơ hội

 

Mặc dù vụ mía vừa qua giá xuống thấp, người trồng gặp khó nhưng cũng không thể phủ nhận sự có mặt của Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa, Công ty Mía đường Tuy Hòa gắn với vùng nguyên liệu mía đã giúp bà con 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân có thu nhập ổn định. Năm nay, để bù vào phần giá thấp, các địa phương tìm cách nâng cao năng suất mía.

 

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Ngoài việc duy trì diện tích quy hoạch để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy, đơn vị khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật mía tưới nước, nâng cao năng suất mía. Năm qua, địa phương làm thí điểm mô hình này trên 100ha, cho năng suất 90 tấn/ha, cao hơn 30 tấn/ha so với mía thường.

 

Ma Giảng ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) hồ hởi: Những năm trước chỉ chờ nước trời, mía cho năng suất 65-70 tấn/ha. Khi chuyển sang làm mía tưới nước năng suất mía đạt 85 tấn/ha. Sản lượng tăng cao cũng đủ bù vô phần giá thấp, nên vụ mía vừa qua cũng không quá khó khăn.

 

Hiện vùng miền núi đang đẩy mạnh phát triển cây ăn trái, nhiều địa phương quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn trái sạch. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, từ thí điểm 20ha mô hình trồng cây ăn trái tại tất cả các xã trên địa bàn huyện, với bơ, sầu riêng, xoài, ổi; nay địa phương đã quy hoạch thành vùng cây ăn trái trên tổng diện tích 850ha. Trước mắt, đây là vùng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chế biến nông sản Phú Yên ở thị trấn Hai Riêng, để nhà máy này duy trì công suất thiết kế 3.600 tấn sản phẩm/năm và 30 triệu lon nước trái cây/năm.

 

Ông Triệu Văn Mòn ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-5 lần những cây nông, công nghiệp ngắn ngày khác. Gia đình tôi trồng 300 gốc sầu riêng hạt lép, mỗi gốc cho thu nhập 5-10 triệu đồng/năm.

 

Xây dựng thương hiệu để tiêu thụ

 

Ngoài ra, các xã miền núi cũng có nhiều nông sản đặc sản được biết tới từ nhiều năm nay, như: Bò một nắng, gạo đỏ, mật ong rừng, nghệ tươi… Trước đây, người dân vẫn chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế mang lại chưa xứng tầm. Nay, việc tỉnh xây dựng thương hiệu cho những nông sản này theo chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề sẽ mở ra cơ hội để xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ cho bà con.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Khi có thương hiệu độc quyền, các nông sản này sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, được tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại và đủ điều kiện có mặt trong các siêu thị và nhà hàng, khách sạn. Các doanh nghiệp theo đó sẽ tới hợp tác bao tiêu. Từ đây không những giá trị của nông sản tăng mà sản lượng tiêu thụ cũng được nhiều hơn.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thuyên ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An), năm nào bà cũng làm 5 sào lúa gạo đỏ. Bà bán 20.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường trung bình 9.000 đồng/kg, mà không đủ bán. “Có thương hiệu có thể bán khắp cả nước rồi xuất khẩu nước ngoài; lúc ấy mức giá có thể đạt 40.000-50.000 đồng/kg thì bà con mừng lắm”, bà Thuyên nói.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, vùng miền núi của tỉnh có điều kiện đất đai phù hợp cho phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhà máy chế biến, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tạo thương hiệu độc quyền nông sản theo chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề… là con đường hướng người dân miền núi tới sản xuất an toàn, bền vững. Có như vậy mới đảm bảo đầu ra cũng như ổn định về giá nông sản cho bà con. Người dân cần sản xuất theo quy hoạch để đảm bảo ổn định công suất chạy máy của các nhà máy chế biến; không nên nhất thời chạy theo giá thị trường để dẫn đến tình trạng sản xuất ra không có chỗ tiêu thụ.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek