Thứ Tư, 09/10/2024 19:29 CH
Nông nghiệp Sông Hinh khởi sắc
Thứ Năm, 17/01/2019 09:19 SA

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh phát triển mô hình nuôi bò lai - Ảnh: VĂN THÙY

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Sông Hinh đã có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

 

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

 

Ea Ly là xã ở phía tây của huyện Sông Hinh, có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn với trên 7.150ha. Từ năm 2008, địa phương này đã có kế hoạch phát triển nông nghiệp, trồng một số cây chủ lực, trong đó có cây mía. Từ diện tích khoảng 230ha với các giống cũ kém năng suất thì đến nay diện tích mía trên địa bàn xã này đã tăng lên khoảng 1.865ha và hầu hết được thay thế bằng các giống mía mới đạt năng suất, chất lượng cao như K95-156, K95-84, KK3… Với năng suất mía bình quân đạt từ 65-90 tấn/ha, sản lượng hàng năm trên 120.000 tấn, tổng thu nhập của người dân từ loại cây trồng này trên 100 tỉ đồng mỗi năm.

 

Ông Nguyễn Hóa, người dân xã Ea Ly, cho biết: “Với 5ha mía ở khu vực buôn Zô, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa khang trang. Đã nhiều năm gắn bó, tôi thấy cây mía là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này. Đất ở đây rất tốt, chi phí đầu tư thấp nhưng năng suất vẫn cao”.

 

Còn tại xã Ea Bar, với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, địa phương này đã phát triển mạnh cây công nghiệp. Theo UBND xã Ea Bar, đến nay, toàn xã vẫn duy trì trên 2.000ha cao su, 400ha cà phê. Gần đây các loại cây ăn trái chất lượng cao phát triển mạnh như sầu riêng 150ha, mít Thái khoảng 10ha, cam trên 15ha, quýt đường 5ha, chanh dây 15ha. Một số mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đến nay đã có hiệu quả như sầu riêng hạt lép của ông Triệu Văn Mòn cho lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng/cây/vụ; chanh dây của ông Ánh Mai cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm; cam của ông Nguyễn Hữu Bằng thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha/năm.

 

Ông Ksor Hét, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết: Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, địa phương có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư xây dựng các trang trại. Đến nay, toàn xã đã có 18 trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, có trang trại cho lãi mỗi năm hàng tỉ đồng. Các trang trại này không những góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương mà còn là đòn bẩy giúp thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên một diện tích đất.

 

Cùng với các xã Ea Bar, Ea Ly, các địa phương khác trong huyện cũng đã chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Như ở các xã Ea Bá, Sơn Giang thì tập trung phát triển đàn bò; xã Đức Bình Đông trồng cây sắn cao sản; xã Ea Lâm mở rộng diện tích lúa nước; xã Sông Hinh phát triển kinh tế rừng…

 

Đầu tư theo hướng bền vững

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, ngoài các giải pháp nêu trên, huyện đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả 22 công trình thủy lợi với khoảng 125km kênh mương, tưới cho hàng ngàn hécta đất nông nghiệp. Địa phương cũng tập trung chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương nên mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế rất cao.

 

Trong chăn nuôi, ở Sông Hinh đã hình thành nhiều trang trại nuôi gia súc, gia cầm tập trung kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ ổn định. Trong trồng trọt, địa phương xác định mía là cây trồng chủ lực nên đã tập trung đầu tư nguồn giống, đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra vùng mía chuyên canh quy mô cánh đồng lớn. Huyện Sông Hinh đang nhân rộng mô hình mía có tưới bằng công nghệ nhỏ giọt để tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân nhân rộng diện tích trồng cây ăn trái đặc sản địa phương và những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng được thị trường ưa chuộng…

 

Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, khẳng định: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều có bước phát triển ổn định. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch đúng hướng, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, bộ mặt vùng nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, sức cạnh tranh mặt hàng nông nghiệp còn thấp, đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến còn chậm. Trong khi đó, tư duy sản xuất của người dân chưa thích nghi kịp với cơ chế thị trường, quy hoạch vùng nông thôn có nơi chất lượng không cao, thực hiện quy hoạch còn lúng túng. Thời gian tới, huyện Sông Hinh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek