Thứ Năm, 10/10/2024 03:26 SA
Phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc: Nhiều kết quả tích cực
Thứ Bảy, 12/01/2019 07:00 SA

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò - Ảnh: THỦY TIÊN

Chăn nuôi gia súc là một trong những lĩnh vực sản xuất đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, trước những biến đổi của thời tiết nên dịch bệnh ở gia súc diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng (LMLM). Để khống chế hiệu quả dịch bệnh này, tỉnh Phú Yên đã triển khai Chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2018. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này. Ông Lâm cho biết:

 

- Phú Yên có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện đàn gia súc của tỉnh có hơn 203.000 con (trong đó tỉ lệ bò lai chiếm 70%), nuôi tập trung ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa... Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình vẫn còn tồn tại nên người dân vẫn chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi. Vì vậy, hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn vật nuôi gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Một trong những loại dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên đàn gia súc đó là bệnh LMLM.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm

* Diễn biến của loại dịch bệnh này trong thời gian qua như thế nào?

 

- LMLM là bệnh truyền nhiễm của động vật có móng guốc chẵn như trâu, bò, heo, dê, cừu, hươu, nai... Bệnh do vi rút Picornaviridae gây ra, có khả năng lây lan nhanh ở phạm vi rộng. Bệnh không chỉ lây lan giữa động vật khỏe và động vật mắc bệnh mà còn lây qua nhiều đường khác nhau mà nguy hiểm nhất là không khí. Vì vậy, bệnh thường phát thành dịch và gây thiệt hại lớn cho ngành Chăn nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và môi trường.

 

Phú Yên là một trong những địa phương có đàn trâu, bò lớn trong khu vực, chăn nuôi lại nhỏ lẻ nên dịch bệnh LMLM thường xuyên xảy ra. Bệnh LMLM xuất hiện lần đầu tiên tại Phú Yên vào năm 1995 và từ đó đến nay bệnh này thường xuyên xuất hiện trên đàn gia súc. Từ năm 2010-2018, bệnh LMLM đã xảy ra trong 7 năm (riêng năm 2016 không có).

 

Cụ thể như năm 2017, bệnh LMLM xảy ra từ ngày 12/6-12/7 tại xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) làm cho 201 con bò của 136 hộ nuôi bị mắc bệnh. Năm 2018, bệnh xuất hiện từ ngày 30/1-6/3 tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) khiến 313 con bò của 177 hộ nuôi, trong đó 14 con bị chết do ghép với tụ huyết trùng.

 

* Vậy ngành Nông nghiệp đã có những biện pháp nào để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này?

 

- Xác định LMLM là dịch bệnh nguy hiểm, tính lây lan cao, khó khống chế nên từ năm 2016-2018, UBND tỉnh đã triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM với tổng kinh phí thực hiện hơn 21 tỉ đồng, trong đó chủ yếu hỗ trợ vắc xin tiêm phòng LMLM cho trâu, bò. Cụ thể từ năm 2016-2018, UBND tỉnh, huyện đã cấp 706.056 liều vắc xin LMLM để tiêm phòng cho đàn gia súc.

 

Đối với các vùng có dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương cũng đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt, thực hiện tuyên truyền thường xuyên về tình hình dịch bệnh đến với người dân. Đồng thời, ngành Thú y còn thực hiện công tác giám sát dịch bệnh chủ động thông qua hệ thống chân rết thú y cơ sở tại 112 xã, phường, thị trấn, nhờ vậy việc kiểm soát, phát hiện dịch bệnh kịp thời, tạo nhiều thuận lợi cho công tác phòng, chống.

 

Ngoài ra, chi cục còn thực hiện giám sát dịch LMLM bị động nhằm xác định type vi rút gây bệnh, đồng thời xác định hàm lượng kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin LMLM để đánh giá hiệu quả việc tiêm phòng.

 

* Để công tác phòng chống dịch bệnh LMLM đạt hiệu quả, thời gian tới, người chăn nuôi, ngành chức năng cần phải làm gì, thưa ông?

 

- Từ năm 2016-2018, tỉnh Phú Yên thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM. Theo chương trình này, tỉnh có 79 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đệm được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng (cả vắc xin và phí tiêm), nhờ vậy công tác tiêm phòng ở các địa phương này thuận lợi, đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 85% tổng đàn.

 

Còn lại 33 xã, phường, thị trấn thuộc vùng nguy cơ thấp nên không được hỗ trợ vắc xin, người chăn nuôi phải tự mua vắc xin để tiêm phòng, vì vậy tỉ lệ tiêm phòng rất thấp. Tiêu biểu như năm 2017, ở khu vực này tỉ lệ tiêm phòng bình quân chỉ đạt 9% tổng đàn thuộc diện tiêm nên nguy cơ phát sinh dịch ở khu vực này là rất cao.

 

Trước thực trạng này, trong năm 2018 vừa qua, ngoài vắc xin theo chương trình, UBND tỉnh đã hỗ trợ thêm vắc xin tiêm phòng cho gia súc ở các xã thuộc vùng nguy cơ thấp (từ nguồn vắc xin do Trung ương hỗ trợ) nên tỉ lệ tiêm phòng ở các địa phương này đã đạt hơn 85%.

 

ể khống chế hiệu quả dịch bệnh LMLM trong thời gian tới, kiến nghị UBND tỉnh trong giai đoạn 2019-2020 tiếp tục hỗ trợ vắc xin tiêm phòng gia súc 33 xã thuộc vùng có nguy cơ thấp trong toàn tỉnh để đạt tỉ lệ tiêm phòng theo quy định, nâng cao tính bảo hộ cho gia súc đối với dịch bệnh này.

 

Đối với người chăn nuôi, cần chủ động trong việc phòng dịch, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đặc biệt bà con cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến việc kiểm soát đầu vào, xử lý chất thải và các nguồn lây nhiễm dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi...

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek