Thứ Năm, 10/10/2024 09:30 SA
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam:
Nỗ lực tìm hướng đi mới khi ngành Mía đường gặp khó
Thứ Tư, 09/01/2019 13:00 CH

Nhà máy đường KCP ứng dụng công nghệ máy bốc mía để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất - Ảnh: NGÔ XUÂN

2 năm nay, ngành Mía đường cả nước đứng trước nhiều khó khăn do giá đường xuống thấp, khó tiêu thụ và áp lực cạnh tranh trước thềm hội nhập. Trước những khó khăn bộn bề, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã nỗ lực tìm lối đi riêng. Nhờ vậy, niên vụ mía đường vừa qua, mặc dù giá đường xuống thấp nhưng doanh nghiệp này vẫn có doanh thu khá, đảm bảo đời sống người lao động.

 

Khởi động vụ ép với nhiều trăn trở

 

Tham dự lễ khai trương vụ ép 2018-2019 của KCP, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt đánh giá cao những nỗ lực của KCP trong niên vụ vừa qua; đồng thời khuyến khích KCP tạo nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân đầu tư khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng mía. Khuyến khích KCP đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm sau đường như nhà máy cồn, điện sinh khối… để tạo thêm nguồn thu, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân và người lao động.

Theo kế hoạch, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) khởi động vụ ép 2018-2019 vào đầu tháng 1/2019, dự kiến ép khoảng 1 triệu tấn mía cây; sản xuất khoảng 100.000 tấn đường tinh luyện cao cấp. Tuy nhiên, do thời tiết mưa ẩm kéo dài, các ruộng mía đều bị ẩm ướt nên nhà máy chưa thể tổ chức thu hoạch mía. Do vậy, thời gian bắt đầu vụ ép sẽ dời lại khoảng 2 tuần so với dự kiến. Để đảm bảo cho bà con nông dân có tiền trang trải trong dịp Tết Nguyên đán, KCP sẽ tạm ứng tiền cho người dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy.

 

Một khó khăn lớn của KCP trước đầu vụ ép là trong 4 tháng cuối năm 2018, thời tiết nắng hạn kéo dài khiến năng suất và sản lượng mía dự kiến giảm khoảng 20% so với vụ trước. Trong khi đó, thị trường đường vẫn chưa hồi phục, việc tiêu thụ đường rất khó khăn. Mặc dù vậy, KCP sẽ duy trì giá mua mía bằng vụ trước với 800.000 đồng/tấn mía cây; đồng thời tăng cường chính sách đầu tư vào vùng nguyên liệu như hỗ trợ 4 triệu đồng/ha để trồng mới, trồng lại cho khoảng 7.000ha mía. Tổng kinh phí đầu tư trên 28 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khác cho bà con nông dân để cơ giới hóa sản xuất với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu mía.

 

Ông K.V.R.S. Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP, cho biết: Hiện nay, cây mía đã trở thành nguồn thu nhập chính của hàng vạn nông dân ở nông thôn, miền núi. Việc ngành Mía đường gặp khó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nông dân. Trong khi đó, Thái Lan có nhiều chính sách bảo hộ cho việc sản xuất đường; do vậy, ngành Mía đường nước ta cũng như người nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn về cạnh tranh. Chúng tôi đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian bảo hộ cho ngành Mía đường thêm 5 năm và xem xét một số chính sách ưu đãi khác để nhà máy và người dân có thời gian chuẩn bị hội nhập.

 

Nỗ lực tìm hướng đi mới

 

Năm 2018, KCP đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nông dân đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mua máy bơm, péc phun, khoan giếng, hệ thống tưới nhỏ giọt, máy bơm bằng năng lượng mặt trời, chảo cày, máy cày, dàn bón phân, dàn khoan hố đơn/đôi… để nâng cao năng suất, chất lượng mía. Theo hướng này, mặc dù giá mía xuống thấp nhưng người dân vẫn có lãi.

 

Ông Võ Văn Út, một hộ nông dân trồng 47ha mía ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Những năm qua, nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ không tính lãi của KCP nên tôi đã đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhờ vậy, nhiều năm nay, diện tích trồng mía của gia đình tôi luôn đạt năng suất bình quân từ 75 tấn/ha. Năm qua, mặc dù giá mía xuống thấp nhưng gia đình tôi vẫn thu lãi khoảng 1 tỉ đồng. Năm nay, tôi tiếp tục đầu tư mua dàn khoan để trồng mía bằng hố trên diện tích 4ha và diện tích mía này đang phát triển rất tốt.

 

Ngoài việc đầu tư tăng năng suất, KCP cũng định hướng làm phong phú thêm những sản phẩm sau đường để tăng doanh thu, hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể, KCP sẽ tiếp tục thực hiện dự án nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu với công suất 60.000 lít/ngày; dự án mở rộng công suất nhà máy điện sinh khối lên 60MW và nâng công suất Nhà máy đường Đồng Xuân lên 6.000 tấn mía/ngày… Ngoài ra, KCP cũng đang chờ Chính phủ phê duyệt dự án nhà máy điện mặt trời công suất 30 MW với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD.

 

Ông K.V.R.S. Subbaiah đề xuất: Vụ ép vừa qua, mặc dù rất khó khăn về tiêu thụ đường, nhưng doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 1.800 tỉ đồng; nộp vào ngân sách 92 tỉ đồng. Trong đó, riêng Nhà máy điện sinh khối KCP đã đưa lên lưới 108 triệu kWh, đạt doanh thu trên 140 tỉ đồng, tạo nguồn thu để bù lại những khó khăn của nhà máy đường. Tuy nhiên, hiện nay giá điện đồng phát vẫn còn rất thấp, KCP kiến nghị tỉnh có đề xuất lên Trung ương tăng giá mua điện đồng phát ngang bằng với giá mua điện sinh khối để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các nhà máy đường cũng có định hướng phát triển sản phẩm cồn để sản xuất xăng ethanol, nhưng Chính phủ vẫn chưa có chính sách về giá để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Nếu phát triển được những sản phẩm phụ, sản phẩm sau đường thì sẽ tạo thêm một nguồn thu lớn, góp phần hạ giá thành sản phẩm đường, tạo sức cạnh tranh với đường ngoại nhập.

 

NGÔ XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek