Thứ Sáu, 11/10/2024 07:28 SA
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên:
Tập trung đầu tư sản phẩm thế mạnh của địa phương
Thứ Ba, 25/12/2018 07:00 SA

Nhiều mô hình cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê ở huyện Sông Hinh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: ANH NGỌC

Sau hơn 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phú Yên bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2018, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt hơn 11.595 tỉ đồng, trong đó nông nghiệp tăng 3,6%, thủy sản tăng 5,7% và lâm nghiệp tăng 1,3%. Hiện tỉnh tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo bước đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

 

Hiệu quả bước đầu

 

Theo Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có hơn 21.630ha sản xuất lúa sử dụng giống đạt tiêu chuẩn, liên kết sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao và đã xây dựng hơn 20 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 2.400ha.

 

Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như xây dựng các vùng trồng lúa chất lượng cao tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa; tại huyện Tuy An thì đang đầu tư phát triển sản phẩm lúa hữu cơ và lúa gạo đỏ đặc sản.

 

Tại các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp sẽ tập trung phát triển cây dược liệu và cây gia vị gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đối với cây mía sẽ ổn định vùng nguyên liệu, tăng diện tích mía có tưới, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa để nâng năng suất lên tối thiểu 70 tấn/ha. Về thủy sản, Phú Yên xác định hai sản phẩm chủ lực là tôm hùm và cá ngừ đại dương.

 

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, huyện đã chuyển đổi hơn 130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, giá trị sau thu hoạch đối với cây trồng chuyển đổi cao hơn từ 30-50 triệu đồng/ha so với trồng lúa.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, đàn trâu, bò của huyện hơn 25.870 con, trong đó bò lai chiếm khoảng 89%. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc trồng rừng sản xuất được đẩy nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án trồng rừng.  

 

Về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, hệ thống hạ tầng nông thôn ở Phú Hòa có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là hệ thống thủy lợi và bê tông hóa giao thông nông thôn. Đến nay, 8/8 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2019 Phú Hòa đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, theo ông Tính, cơ cấu kinh tế của ngành Nông nghiệp huyện Phú Hòa vẫn chưa có sự chuyển biến, đột phá rõ nét và chưa thật sự bền vững. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, chưa có những mô hình sản xuất công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi.

 

Huyện đang tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển các sản phẩm đặc sản riêng của địa phương, tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản mang tính bền vững hơn.

 

Còn ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Những năm gần đây, Sông Hinh tập trung chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương nên mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

 

Trong chăn nuôi, ở Sông Hinh đã hình thành nhiều trang trại, gia trại nuôi gia súc tập trung kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ ổn định. Trong trồng trọt, địa phương xác định mía là cây trồng chủ lực nên đã tập trung đầu tư nguồn giống, đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra vùng mía chuyên canh quy mô cánh đồng lớn.

 

Huyện Sông Hinh cũng đang nhân rộng mô hình mía có tưới bằng công nghệ nhỏ giọt để tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân nhân rộng diện tích trồng cây ăn trái đặc sản địa phương và những loại trái cây phù hợp với thổ nhưỡng được thị trường ưa chuộng.

 

Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả ở huyện Phú Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa - Ảnh: ANH NGỌC

 

Áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

 

Theo Sở NN-PTNT, trong năm 2018, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên đất trồng trọt đạt khoảng 72 triệu đồng/ha (tăng 13,2% so năm 2014), đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 930 triệu đồng/ha (gấp 1,5 lần so năm 2014).

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tuy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2018 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt tốc độ tăng trưởng 4,2%/năm, giá trị gia tăng năm 2018 đạt khoảng 5.620 tỉ đồng (tăng 18,7% so với năm 2014), đóng góp khoảng 23,8% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

 

Việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và nhân dân, là tiền đề thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong những năm tới.

 

Ngoài ra, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng tác động mạnh mẽ đến chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thông qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững…

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được xem là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đưa nhanh vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có giá trị thương phẩm cao phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 

Tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng về thủy lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giao thông nông thôn, điện để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Các sở, ngành cần đổi mới phương thức đào tạo và nâng cao hiệu quả nhằm nâng cao trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh về cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng các chính sách hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản theo chuỗi giá trị. Về tổ chức phát triển sản xuất theo hướng tập trung, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đổi mới phương thức hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực, mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các sở, ngành cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo bước đột phá trong tái cơ cấu, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek