Thứ Hai, 14/10/2024 23:26 CH
Cần nhân rộng mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật
Thứ Tư, 17/10/2018 15:45 CH

Thời gian qua, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái. Nhằm hạn chế tác động xấu của loại rác thải này, một số địa phương triển khai mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật.

 

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

 

Xã Sơn Giang hiện có trên 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp hàng năm. Để nâng cao năng suất, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, nhiều nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật này ngày càng nhiều. Để hạn chế tình trạng này, đồng thời hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã triển khai thí điểm mô hình thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại hai thôn Hà Giang và Nam Giang.

 

Nhờ thùng rác đặt ở vị trí thuận lợi mà anh Lê Ngọc Hậu và hàng chục hộ dân sản xuất trên cánh đồng lúa ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang đã có nơi bỏ rác sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi như trước. Anh Hậu cho biết: “Quá trình sản xuất lúa, nông dân sử dụng ít nhất 5 đến 7 lần thuốc bảo vệ thực vật. Khi dùng xong, bà con gặp đâu vứt đó dọc tuyến đường hay các lùm cây, bụi rậm. Nhờ có mô hình này mà bây giờ bà con đã tập trung bao bì, chai lọ và cả thuốc bảo vệ thực vật sử dụng còn dư tập kết vào đây”.

 

Còn tại thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, thùng rác thuốc bảo vệ thực vật được đặt ngay tại cửa ngõ đường vào khu sản suất hơn 200ha trồng sắn, mía, tạo điều kiện thuận lợi để người dân bỏ rác khi đi làm đồng về. Ông Hoàng Năm Năm ở thôn Nam Giang, cho biết: “Trước đây, mọi ngóc ngách vào khu sản xuất chỗ nào cũng có chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi sử dụng xong, nhiều người còn tiện tay thả luôn bao bì, chai lọ theo kênh nước, rất nguy hiểm. Từ khi có thùng rác thì bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ở cánh đồng này giảm hẳn”.

 

Theo UBND xã Sơn Giang, cùng với việc huy động các nguồn lực để xây dựng thùng chứa, các chi hội nông dân đã thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động hội viên cùng người dân tích cực tham gia mô hình. Ông Phan Văn Thiên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nam Giang, cho hay: Tôi thường xuyên vận động, nhắc nhở bà con khi đi phun thuốc nhớ đem vỏ thuốc về để vào thùng rác. Chi hội đặt thùng rác ở chỗ rất thuận lợi, mong bà con tạo thói quen tích cực, có ý thức và trách nhiệm, bởi nếu để rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật ngoài môi trường thì rất nguy hiểm.

 

Ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cho biết: Sau 3 tháng triển khai, mặc dù chưa thu gom triệt để nhưng một lượng lớn rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật được tập kết đúng nơi quy định, đây là bước đầu thành công của mô hình này. Điều quan trọng hơn là ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, có sự chuyển biến tích cực và đã tạo cho bà con thói quen thu gom rác trong quá trình lao động, sản xuất.

 

Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

 

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, đến nay, địa phương này đã có 3 xã triển khai mô hình thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2018, từ các nguồn vốn, huyện Sông Hinh đã phân bổ khoảng 100 triệu đồng để các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Huyện tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến các địa phương chưa thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật.

 

Mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật không chỉ có ở huyện Sông Hinh mà còn được triển khai ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, là một huyện thuần nông, Tây Hòa có lượng rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tương đối lớn. Bởi lâu nay, nông dân có thói quen sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật thì vứt những chai lọ, bao bì ngay tại bờ ruộng, kênh mương… chứ không thu gom bài bản để xử lý.

 

“Cách đây khoảng 3 năm, huyện Tây Hòa đã phát động nông dân, các hợp tác xã tăng cường thu gom và xử lý loại rác thải này, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi phát động, 4 xã trên địa bàn đã triển khai đúc pi giếng, đặt ngoài các cánh đồng để thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật mà bà con đã sử dụng. Huyện cấp kinh phí cho các địa phương còn lại, mỗi địa phương sẽ đúc khoảng 20 pi giếng đúng quy cách để chứa loại rác thải này. Dự kiến đến cuối năm 2018, tất cả các địa phương trên địa bàn huyện đều triển khai thu gom và xử lý loại rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật”, ông Dũng nói.

 

Còn theo ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy An, sau khi triển khai làm điểm tại 3 địa phương là thị trấn Chí Thạnh, xã An Nghiệp và xã An Mỹ, thì đến nay đã có thêm 4 xã sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng các dụng cụ chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Việc triển khai thu gom loại rác thải độc hại này sẽ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nông thôn…

 

VĂN THÙY - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek