Ảnh hưởng bão số 5 và siêu bão Mangkhut (bão số 6), những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa, nông dân tập trung trồng rừng kinh tế. Trên các vùng miền núi, nhiều hộ nông dân sau một thời gian “theo” cây sắn, mía giờ chuyển sang trồng rừng trên đồi dốc vì thấy hiệu quả hơn.
Cây ươm chuẩn bị xuất vườn
Những ngày qua, những vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), tiến hành đảo cây, phân ra loại lớn nhỏ để chuẩn bị xuất vườn. Bà Lang Thị Hường, chủ vườn giống cây lâm nghiệp Hào Hường, cho hay: Trước khi xuất vườn, chúng tôi tiến hành đảo cây để cho bứt rễ, vì trong thời gian ươm, rễ cây đâm qua túi ni lông, ăn sâu xuống đất.
Trước khi trồng, chúng tôi phải đảo cây rồi nuôi tại vườn ươm nửa tháng cho cây có sức để khi xuất bán, người dân đem ra trồng, cây không bị héo lá. Song song với việc đảo cây, vườn ươm còn phân loại cây lớn đưa ra 1 luống, cây nhỏ bỏ luống riêng để khi đem trồng cây đồng đều. Năm nay, vườn của tôi ươm gần 1 triệu cây giống keo giâm hom, giá bán cũng như năm ngoái 600 đồng/cây.
Chỉ tính riêng hai xã Sơn Định, Sơn Long đã có trên 7 vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp theo phương pháp giâm hom với quy mô từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bầu cây xuất bán mỗi năm. Các giống cây chủ lực được sản xuất tại các vườn này là keo, bạch đàn…
Tại huyện Đồng Xuân, ngay khi có những cơn mưa nhỏ vào trung tuần tháng 9 này, nhiều nông dân đã đến các vườn ươm giống cây lâm nghiệp đặt hàng mua keo giống trồng rừng. Vườn ươm giống cây lâm nghiệp xã Xuân Lãnh gieo ươm gần 5 triệu cây giống các loại, chỉ trong mấy ngày qua đã có người đặt mua gần hết nửa.
Ông Trần Văn Tiến, nông dân trồng rừng ở xã Xuân Lãnh cho hay: Trước đây, nhiều hộ nông dân khai hoang các khu vực gò đồi trồng sắn, mía; lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu. Nếu như hiện nay tiếp tục trồng sắn, mía để cây trồng phát triển đòi hỏi người dân phải tăng đầu tư, trong khi đó giá phân bón tăng cao như hiện nay thì lỗ là cầm chắc; vì vậy, nhiều nông dân chuyển sang trồng rừng kinh tế.
Tại vườn ươm ở xã Đa Lộc, trong những ngày mưa vừa qua, các loại xe cơ giới ra vào vận chuyển cây giống nườm nượp. Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Những năm qua, nông dân trong xã chú trọng trồng rừng kinh tế. Hiện nay là mùa mưa, thích hợp cho việc trồng keo, khoảng 2-3 tháng sau, keo bén rễ, tiếp tục trồng xen sắn. Khi keo 3 năm tuổi, người dân “ăn” được 3 mùa sắn rồi thả “nuôi” keo. Nhờ vậy, nhiều hộ trong xã thu nhập cao từ trồng rừng kinh tế.
Thu nhập cao
Vùng gò đồi các xã Ea Bá, Ea Bar, Ea Ly (huyện Sông Hinh), nhân dân trồng keo phủ kín. Những rẫy keo rộng từ 5-10ha, đến thời kỳ thu hoạch, nông dân thuê công chặt bán cho thương lái. Ông Nguyễn Văn Tường ở xã Ea Bá có 5ha trồng sắn và mía, đất bị bạc màu. Ông chuyển sang trồng rừng, qua gần 5 năm chăm sóc, vừa qua xuất bán thu gần 150 triệu đồng. Mùa mưa này ông tiếp tục trồng giống mới.
Ông Tường cho hay: Nếu trồng sắn, mía thì phải bỏ công chăm sóc, thu hoạch hàng năm nên tính ra không lãi. Cũng đám đất đó, chúng tôi trồng cây lâm nghiệp rồi đi làm thuê kiếm tiền, vườn cây như “của để dành” chờ 5 năm sau bán cây, bình quân 70 tấn/ha, với giá bán hiện nay 800.000 đồng/tấn, trừ chi phí nhân công còn kiếm bộn tiền.
Theo ông Nguyễn Văn Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân phát triển mạnh, vì hiện nay khai thác gỗ rừng trồng mang lại lợi nhuận cao. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích người dân trồng rừng trên diện tích đất bạc màu, rửa trôi.
Thống kê của Sở NN-PTNT, mùa trồng rừng năm 2018, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm được 8,5 triệu cây giống (tương đương 4.500ha), đảm bảo đủ giống cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Các vườn ươm cung cấp giống cây lâm nghiệp chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An.
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện nay năng suất gỗ từ rừng trồng đạt khá cao, bình quân 70 tấn/ha; những nơi được đầu tư chăm sóc tốt có thể đạt 90 tấn/ha trở lên nên người trồng rừng thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, sau 5-6 năm chăm sóc.
Ngay từ đầu năm, Phú Yên đã phát động phong trào trồng cây với mục tiêu năm nay trồng mới 6.000ha rừng, trong đó có ít nhất 4.200ha rừng sản xuất. Diện tích trồng mới được bù lại diện tích rừng trồng đến kỳ phải thu hoạch, diện tích rừng bị ngã đổ do ảnh hưởng đợt mưa lũ năm ngoái và trồng rừng thay thế cho diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp đã chuyển mục đích để thực hiện các dự án.
LÊ TRÂM