Thứ Bảy, 30/11/2024 12:37 CH
Góp sức thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Thứ Ba, 18/09/2018 13:35 CH

Cơ giới hóa vào đồng ruộng là cách sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu - Trong ảnh: Mô hình trồng mía bằng máy tại xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa - Ảnh: MINH DUYÊN

Sở TN-MT vừa tổ chức tập huấn phổ biến nội dung Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) theo Nghị quyết 93/NQ-CP, ngày 31/10/2016 của Chính phủ về phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH. Để bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung Thỏa thuận Paris về BĐKH, Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam về vấn đề này.

 

* Ông có thể chia sẻ một số thông tin liên quan tới Thỏa thuận Paris về BĐKH, và Việt Nam có mối liên hệ như thế nào trong thực hiện thỏa thuận này?

 

- Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH diễn ra năm 2015 ở thủ đô Paris (Pháp) có 195 quốc gia nhất trí về thỏa thuận khí hậu. Sự kiện này là bước ngoặt lịch sử của nhân loại trong ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, được gọi là “Cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh”. Tới tháng 2/2018, 175/195 quốc gia phê chuẩn Thỏa thuận Paris về BĐKH (gọi tắt là PA).

 

PA cam kết thực hiện 11 thỏa thuận, trong đó đưa ra một số mục tiêu như giới hạn nhiệt độ trái đất tăng thêm ở mức 20C và cố gắng chỉ ở mức 1,50C; lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính đạt mức cao nhất trong thời gian sớm nhất; cân bằng giữa lượng khí thải ra và lượng khí bị hấp thu trong nửa đầu thế kỷ…

 

Việt Nam là nước đang phát triển, không bắt buộc phải tham gia PA nhưng nước ta tự nguyện đăng ký tham gia. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2030 giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở mức 8% và mức giảm này sẽ tăng lên 25% khi có sự hỗ trợ của quốc tế.

 

Ngày 28/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 2053/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện PA ở Việt Nam. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 sẽ kiểm kê khí nhà kính định kỳ và đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió; xây dựng và phát triển thị trường cacbon trong nước…

 

Tỉnh Phú Yên đã sớm quan tâm tới vấn đề này nên ngày 13/11/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2216 phê duyệt kế hoạch triển khai Quyết định 2053 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện PA trên địa bàn tỉnh.

 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ

* Thỏa thuận Paris có thể mang lại cơ hội gì cho Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, thưa ông?

 

- Nhìn vào nội dung thỏa thuận PA, nước ta sẽ có ít nhất hai cơ hội lớn. Một là thụ hưởng được nguồn vốn nước ngoài từ Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu của Liên Hợp Quốc; hai là phát triển được thị trường cacbon trong nước.

 

Tại thỏa thuận số 5, 6 của PA có nêu: Các nước phát triển có nghĩa vụ phải cung cấp những nguồn tài chính cho các nước đang phát triển dành riêng cho các hoạt động chống BĐKH. Trước năm 2025, các nước thành viên nên đạt được một thỏa thuận chung cung cấp ít nhất 100 tỉ USD/năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng BĐKH.

 

Như vậy, các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản có nền công nghiệp nặng phát triển, thải ra lượng khí CO2 lớn sẽ phải cung cấp nguồn tài chính cho các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Philippines… vào hoạt động chống BĐKH. Từ trước tới nay, nước ta đã được quốc tế hỗ trợ các dự án trồng rừng, xây dựng các công trình thủy lợi, kè, đập chống xói lở. Thời gian tới, nếu nước ta có dự án lớn về chống BĐKH thì có thể thu hút nhiều nguồn vốn hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để nước ta hoàn thiện hơn nữa hạ tầng cơ sở, quy hoạch vùng sản xuất…

 

Đồng thời, Thỏa thuận số 10 cho phép các quốc gia tự do trao đổi hoặc nhượng lại những thành quả ứng phó BĐKH, hay còn gọi “Giao dịch lượng khí thải”, đây cũng là cơ sở để Việt Nam phát triển thị trường cacbon trong nước. Điều này có nghĩa là các nước phát triển buộc phải thực hiện cam kết giảm lượng cacbon theo lộ trình và không nhất thiết phải thực hiện trên chính đất nước mình, nên có thể trao đổi tín chỉ cacbon với các nước khác.

 

Nước ta dễ dàng thu hút các nước tới thu mua cacbon vì giá rẻ hơn (ví dụ, 1 tấn cacbon ở Việt Nam có giá 20USD nhưng ở Nhật Bản tới 40USD, để giảm chi phí họ sẽ tới ta thu mua). Thu mua cacbon nghĩa là những nhà máy nào càng ô nhiễm, càng thải nhiều CO2 ra môi trường thì họ sẽ tìm tới, mang trang thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến thay thế sao cho lượng CO2 thải ra môi trường ít hơn so với trước. Khi đó, chúng ta vừa có nguồn thu từ bán cacbon, vừa được hiện đại hóa trang thiết bị, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

 

Phú Yên nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai, hàng năm đều gặp bão, lũ, nước biển dâng nên sẽ có cơ hội thu hút đầu tư từ các dự án chống BĐKH. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều nhà máy, các khu công nghiệp, đây cũng là nơi thải ra nhiều CO2 nên cũng có thể tham gia vào thị trường chào bán cacbon cho các nước phát triển…

 

* Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thích ứng với BĐKH. Ông có nhận xét gì về những biện pháp này và thời gian tới, Phú Yên cần tập trung những giải pháp gì để đạt hiệu quả cao hơn nữa?

 

- Từ năm 2013 đến nay, Phú Yên thực hiện được 8/12 nhiệm vụ đặt ra để ứng phó với BĐKH. Trong đó ghi nhận những kết quả khả quan trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiên cố hóa kênh mương, quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, đưa vào sử dụng điện sinh khối giúp giảm tiêu thụ điện năng… Có thể đánh giá đây là những biện pháp hữu hiệu, có tính thực tế cao, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

 

Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện những nhiệm vụ này chủ yếu từ vốn lồng ghép của các chương trình quốc gia như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, mà chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

 

Thời gian tới, Phú Yên cần tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động về thực hiện PA trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 2216 mà UBND tỉnh đã ban hành; kiểm kê khí nhà kính làm cơ sở đánh giá tác động để có các giải pháp phù hợp; chủ động xây dựng các dự án chống BĐKH, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư quốc tế…

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MINH DUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek