Giáp Tết, các nhà sản xuất, kinh doanh dồn sức cho sản xuất thực phẩm. Và cũng theo quy luật hằng năm, tình trạng lạm dụng phụ gia thực phẩm lại nóng lên. Nguy hiểm hơn, năm nay xuất hiện thêm nhiều phụ gia thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hàng bánh kẹo ở chợ TP Tuy Hòa – Ảnh: MINH NGUYỆT |
Các chất tạo bọt cà phê như CMC hay Sodium lauryl sunfate là những chất tẩy rửa thường được chuyên dùng trong sản xuất xà phòng, việc dùng những loại hóa chất này trực tiếp hoặc lâu dài còn có khả năng gây ung thư. Mặc dù vậy, nhiều người sản xuất vẫn sử dụng nó để sản xuất thực phẩm.
LẠM DỤNG PHỤ GIA DỊP GIÁP TẾT
Mứt bí, miến... là những thực phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp tết, đang trở thành nỗi lo cho người tiêu dùng. Những ngày này, làng mứt tết lại tăng công suất để kịp giao hàng theo hợp đồng và phục vụ thị trường.
Chúng tôi tìm đến một làng nghề chuyên sản xuất mứt tết và chứng kiến cảnh người dân phơi mứt bí trên vỉa hè. Khi hỏi người phơi bí về cách làm bí chuyển thành màu trắng, họ đã tiết lộ rằng phải dùng chất tẩy trắng rồi đem phơi thì mới đạt được màu trắng tinh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chất tẩy trắng bí và chất tẩy miến là một và đó là chất có hại cho sức khỏe.
Lâu nay, dư luận cũng khá xôn xao về chất tạo bọt cà phê. Để cà phê tạo bọt trắng, nổi lên trên cho hấp dẫn, người ta đã cho chất CMC và Sodium lauryl sunfate. Đây là chất gây hại cho cơ thể nhưng nhiều người vì lợi nhuận đã bất chấp nguy hại.
Chúng tôi còn thấy nhiều cửa hàng đựng hương liệu thực phẩm và phụ gia thực phẩm trong các bao bì, vỏ hộp không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ. Vậy, những chất tạo bọt, làm trắng thực phẩm như trên thực chất là gì và gây hại ở mức độ nào đối với người tiêu dùng?
DÙNG CHẤT SỬ DỤNG TRONG CÔNG NGHIỆP ĐỂ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
Tiến sĩ Bùi Quang Thuật, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Chủ nhiệm bộ môn dầu, hương liệu và phụ gia thực phẩm cho biết, các chất để làm trắng bánh phở, mứt bí, miến như Kali sunfit, nhuộm đỏ bánh kẹo bằng sắt ôxít… là những hóa chất không được sử dụng trong thực phẩm. Những chất này có chứa lưu huỳnh, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, nếu ăn nhiều có nguy cơ bị ngộ độc.
Cũng như vậy, các chất tạo bọt cà phê như CMC hay Sodium lauryl sunfate là những chất tẩy rửa thường được chuyên dùng trong sản xuất xà phòng. Nếu lạm dụng trong xà phòng có thể gây xơ tóc, tổn hại mắt, làm rụng tóc. Việc dùng Sodium lauryl sunfate trực tiếp hoặc lâu dài còn có khả năng gây ung thư. Mặc dù vậy, nhiều người sản xuất vẫn sử dụng nó để sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, một hiện tượng không kém phần nguy hiểm, đó là sử dụng phẩm màu không an toàn cho thực phẩm. Loại màu chỉ để dùng cho việc sản xuất bao bì trước đây thì nay cũng được sử dụng cho thực phẩm.
Hiện nay, ở nước ta chủ yếu sản xuất các tinh dầu để hỗ trợ chế biến như cam, chanh, quýt, bưởi… và các nhựa dầu lấy từ thiên nhiên như ớt, tỏi, hồ tiêu, trà gừng, rành rành, điều nhuộm, cây bụt dấm… tuy nhiên giá khá cao, không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Bởi vậy, nhà sản xuất thường chọn loại rẻ tiền hơn để thu lợi nên thiệt hại thuộc về người tiêu dùng. Hương liệu không rõ nguồn gốc thường được làm từ chất hoá học tổng hợp, không kiểm soát được liều lượng.
Cũng do khó cạnh tranh về giá với hàng lậu được đưa về từ biên giới nên trong nước gần như chưa sản xuất được màu tự nhiên dùng cho thực phẩm. Đa số màu được làm từ hóa chất tổng hợp nên chỉ được sử dụng một liều lượng nhất định. Việc sử dụng này phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh hoá chất, phụ gia, hương liệu hầu hết không có trình độ chuyên môn mà chỉ kinh doanh bằng kinh nghiệm nên dễ dẫn đến việc sử dụng không an toàn, tư vấn người sử dụng cũng không đúng...
Vừa qua, Bộ Y tế đã chủ trì biên soạn tài liệu quy định giới hạn tối đa vi sinh vật và tồn dư các chất ô nhiễm trong nông sản thực phẩm. Tài liệu này là công sức đóng góp của một số nhà khoa học ở các viện nghiên cứu.
Trong đó, phần 7 của tài liệu có đề cập đến danh mục các chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến. Phần này đã được các nhà khoa học của Viện Công nghiệp thực phẩm biên soạn dựa trên các tiêu chuẩn của ISO, Mỹ, Nhật và các nước trong khu vực. Cuốn tài liệu này mới được ban hành cuối năm 2007 và được các doanh nghiệp rất phấn khởi bởi giờ đây họ đã có thể biết cụ thể hơn những chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm và những tiêu chuẩn cụ thể mà trước đây họ không biết hỏi ai.
Bộ Y tế và một số sở y tế địa phương đã từng tiến hành kiểm tra VSATTP và phát hiện hành vi một số cơ sở sử dụng phụ gia độc hại. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng đúng quy định về độ an toàn cho thực phẩm theo tài liệu của Bộ Y tế, các nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ chất phụ gia trên bao bì. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh thực phẩm sử dụng phụ gia độc hại cũng như các cơ sở kinh doanh hoá chất để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo CAND