Chủ Nhật, 28/04/2024 17:48 CH
Không lo đầu ra cho mắc ca chất lượng
Thứ Bảy, 12/05/2018 13:00 CH

Nông dân tham quan vườn mắc ca của gia đình bà Ngô Thị Sơn ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh - Ảnh: LÊ HẢO

Tại hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng, chăm sóc cây mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Phú Yên tổ chức mới đây, GS Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch hiệp hội giới thiệu về triển vọng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng và sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đối với nông dân trồng loại cây này. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, GS Hoàng Hòe cho biết:

 

- Mắc ca là một loại cây trồng mới, có mặt ở Việt Nam chừng 20 năm nay. Ban đầu, nông dân chưa biết giá trị của nó như thế nào, chưa biết đất của địa phương mình trồng mắc ca có tốt hay không? Cho nên, các nhà khoa học đã tiến hành khảo nghiệm, trồng thử ở nhiều nơi từ Tây Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên. Kết quả có nhiều nơi trồng thành công, và cũng có những nơi không thành công lắm. Tuy nhiên, đây là vấn đề bình thường đối với một loại cây trồng nhập ngoại như mắc ca.

 

Trong gần 20 năm trở lại đây, gần 2.000 nông dân ở nhiều tỉnh trên cả nước đã trồng thử nghiệm mắc ca. Đến nay, nhiều người thu được vài tấn hạt/ha/năm, thu nhập từ 100-200 triệu đồng.

 

GS Hoàng Hòe

* Khi trồng bất cứ loại cây gì, nông dân đều quan tâm đến đầu ra sản phẩm. Đầu ra của mắc ca hiện nay như thế nào, thưa ông?

 

- Thị trường đầu ra đối với mắc ca rất rộng mở. Hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 10 nước trồng loại cây này, sản lượng khoảng 180.000 tấn hạt/năm (thống kê năm 2017). Số lượng này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Bởi hạt mắc ca rất ngon, ăn một lần rồi thì muốn ăn thêm mãi. Và không chỉ ngon, hạt mắc ca còn tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, mắc ca còn được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... nên nhu cầu sản phẩm này ngày một lớn.

 

Hiện trong nước thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm mắc ca, nhiều người muốn tìm mua nhưng không có, nhất là những dịp lễ, Tết. Còn ở thị trường thế giới, Úc đang là nước tiêu thụ mắc ca nhiều nhất. Bình quân một người Úc tiêu thụ 0,7kg nhân hạt/năm. Và Chính phủ Úc đang khuyến khích người dân của họ tiêu thụ lượng mắc ca gấp ba lần con số này. Còn ở Trung Quốc, hiện chính phủ nước này khuyên người dân nên tiêu thụ khoảng 10 hạt mắc ca/ngày. Nếu người dân Trung Quốc làm theo đúng lời khuyên đó thì nước này thực sự là một thị trường rộng mở cho mắc ca Việt Nam. Ngoài Úc và Trung Quốc thì Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông... cũng là những nơi chuộng mắc ca mà Việt Nam có thể xuất khẩu nếu có đủ sản lượng và đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.

 

* Vậy mắc ca nông dân trồng ra chắc chắn sẽ được thu mua?

 

- Nông dân trồng mắc ca không cần lo đầu ra. Vấn đề cần quan tâm là chất lượng. Nếu mắc ca bà con trồng ra không đảm bảo chất lượng thì không ai mua đâu.

 

Để đảm bảo có hạt mắc ca chất lượng, trước hết người dân phải chọn cây giống chất lượng. Điều này không khó nhưng thực tế hiện nay cho thấy rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc Nhà nước khuyến khích trồng loại cây này, đã làm giống rởm đi rao bán khắp nơi. Nhiều người ham rẻ, mua về trồng thì sau một thời gian, cây không có trái hoặc số trái ít, chất lượng hạt không đạt như mong muốn.

 

Bên cạnh đó, bà con cũng cần phải lưu ý đến khâu thu hoạch, sơ chế mắc ca. Tôi nói điều này bởi hiện nay có rất nhiều người trồng mắc ca hái trái non. Tôi lên Tây Nguyên chứng kiến nhiều cơ sở mua mắc ca về, mặc dù đã chọn lọc, trả những lô hàng non rồi, nhưng khi chuẩn bị chế biến thì phải loại ra khoảng 20-30% vì lúc đổ vào nước, trái mắc ca non sẽ nổi lên. Đó là những trái chưa chín mà bà con đã thu hoạch nên không đạt yêu cầu. Theo nguyên tắc, người trồng phải để mắc ca chín rồi tự rụng xuống đất. Sau đó, nông dân thu hoạch và bóc ngay lớp vỏ xanh trong vòng 24 giờ, rồi để hạt mắc ca trong bóng râm, dùng quạt thổi gió làm giảm độ ẩm của hạt từ 30% xuống còn 10% mới có thể đem bán cho các xưởng chế biến. Những kỹ thuật này không hề phức tạp, nông dân hoàn toàn có thể làm được.

 

* Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ làm gì để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca đạt chất lượng, thưa ông?

 

- Để hỗ trợ người trồng mắc ca, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ giới thiệu những vườn cây được trồng thành công để người dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, hiệp hội cũng giới thiệu những vườn ươm sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng để bà con yên tâm mua về trồng. Tuy nhiên, việc chọn trồng giống nào hoàn toàn do bà con tự quyết định. Bởi mỗi huyện, mỗi xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể ở đây giống này tốt nhưng sang nơi khác, giống khác mới tốt. Điều này cần thời gian kiểm chứng qua thực tế. Nếu thuận lợi thì chỉ sau 3-4 năm, nông dân sẽ chọn được giống mắc ca phù hợp với địa phương mình. Sau khi đúc kết được kinh nghiệm, nông dân có thể phổ biến cho những người trồng sau để họ học tập, làm theo.

 

Mắc ca là một loại cây trồng mới nên bà con không thể nóng ruột. Chúng ta cần những người nông dân thông minh, không hùa theo đám đông, thấy người ta trồng thành công là mình trồng theo mà không cân nhắc xem giống đó có phù hợp với địa phương mình hay không. Khi bà con đã chọn giống nào là phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, được thì ăn mà thua thì làm lại chứ không thể để người ta dắt tay mình suốt.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek