Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 52 về phát triển ngành nghề nông thôn. HTX, tổ hợp tác với tư cách là một trong những tổ chức trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn sẽ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ này. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
Ông Lê Thanh Lam |
* Tỉnh ta có bao nhiêu HTX, tổ hợp tác (THT) có thể được hỗ trợ từ Nghị định 52 và sẽ được hỗ trợ những gì, thưa ông?
- Tỉnh Phú Yên có 17 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó 5 làng nghề có sự tham gia của các HTX, THT, gồm làng nghề bó chổi Mỹ Thành ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) gắn với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thắng 2. Làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) là HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong.
Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 ở xã An Cư (huyện Tuy An) là THT Chiếu cói Phú Tân. Làng nghề bánh tráng Hòa Đa ở xã Hòa Đa (huyện Tuy An) là THT Bánh tráng Hòa Đa. Làng nghề trồng rau và hoa Ngọc Phước 1 ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) là HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Bình Ngọc.
Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ mặt bằng sản xuất, ưu đãi vay vốn tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, KH-CN, đào tạo nhân lực… Cụ thể, các HTX, THT được tạo điều kiện giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Các HTX, THT cũng được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia; được xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu.
Khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các HTX, THT được chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn với mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở, đồng thời được chi 100% chi phí thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm, tổ chức hội thi, ăn nghỉ, đi lại…
* So với trước, những hỗ trợ này không mới, đều nằm trong những chính sách hỗ trợ cho các HTX, THT. Vậy nghị định này có điểm mới gì mà các HTX, THT sẽ có cơ hội thụ hưởng?
- Điểm mới của Nghị định 52 nằm ở khoản 1 Điều 12 có nội dung về hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách Trung ương. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí cho một dự án nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.
Cụ thể là hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án. Ưu tiên cho các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; dự án thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; dự án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu; dự án sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; dự án sản xuất, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; dự án sản xuất, chế biến muối sạch; dự án phát triển sinh vật cảnh; dự án làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; dự án sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên đối tượng được hỗ trợ xây dựng dự án không phải là các HTX, THT mà là các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại địa phương. Song, các HTX, THT với trách nhiệm quản lý làng nghề, tổ chức sản xuất cho các hộ cá thể sẽ gián tiếp được thụ hưởng nguồn vốn này.
Trong bối cảnh, tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình lớn như mỗi xã một sản phẩm làng nghề, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các HTX, THT có vai trò quan trọng với phát triển sản xuất hộ gia đình, nhóm hộ gia đình thì quá trình thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn cũng không thể thiếu HTX, THT.
* Từ ví dụ cụ thể, ông hãy phân tích rõ hơn hiệu quả của nghị định này?
- Lấy HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong gắn với làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) làm ví dụ. Hiện đơn vị này đã xây dựng được sản phẩm rượu tằm từ hoạt động sản xuất trồng dâu nuôi tằm của bà con. Nhưng HTX đang gặp khó khăn về vốn để đầu tư máy móc, mở rộng xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường huyện Tây Hòa cũng như ra ngoài tỉnh Phú Yên. Nếu đơn vị được chính quyền địa phương, Phòng NN-PTNT huyện, Sở NN-PTNT tỉnh triển khai thành dự án phát triển nghề nông thôn thì đơn vị sẽ có vốn duy trì và mở rộng hoạt động làng nghề.
Song song với đó, địa phương cũng hoàn thành được mục tiêu mỗi xã một sản phẩm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang hướng hàng hóa dịch vụ và tạo ra sự thay đổi cho bộ mặt nông thôn mới ở Hòa Phong. Đây chính là hiệu quả to lớn mà nghị định này hướng tới.
* Các HTX, THT sẽ phải làm gì để được thụ hưởng từ Nghị định 52, thưa ông?
- Đối với những HTX đang quản lý các làng nghề, điều kiện để thụ hưởng ưu đãi của nghị định này là phải có đề xuất dự án đầu tư và dự án đó phải hiệu quả thì mới được thụ hưởng. Đây chính là điểm yếu của các HTX, THT. Nguyên nhân do cán bộ HTX đã lớn tuổi, tuy có kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng khả năng thể hiện thuyết trình phương án hạn chế... Vì vậy, nâng cao năng lực quản lý, nội lực hoạt động của các HTX là điều cần thiết để các HTX, THT có thể thụ hưởng nguồn vốn này.
Với những làng nghề chưa được công nhận nhưng đã có những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như muối Tuyết Diêm ở TX Sông Cầu của HTX Muối Tuyết Diêm, chuỗi nuôi chim cút của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa)… thì đây chính là cơ hội để được công nhận làng nghề. Các HTX cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp nông thôn từng bước nâng tầm hoạt động sản xuất, đáp ứng tiêu chí làng nghề như trong nghị định này…
* Xin cảm ơn ông!
MINH DUYÊN