Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sẽ cùng điều hành hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.
Năm 2017 xác lập kỷ lục xuất khẩu
Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương.
Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỉ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỉ USD, tăng 36,8).
Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỉ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỉ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỉ USD, tăng 23,8%...
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỉ USD, 4 thị trường trên 10 tỉ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Nhiều dấu hiệu tích cực
Theo số liệu từ Bộ Công thương, những diễn biến trong xuất khẩu của năm 2017 đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, bền vững hơn.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỉ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỉ trọng hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỉ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).
Thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản tốt, đặc biệt đối với nhóm hàng công nghiệp. Năm 2017, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỉ USD), thị trường EU chiếm 17,6%; tổng cộng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong năm 2017: ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỉ USD; Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỉ USD; Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỉ USD; Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỉ USD; Úc tăng 15,1%, đạt 3,3 tỉ USD; Chile tăng 24,1%, đạt 999 triệu USD.
Tỉ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Với việc đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đến nay, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được cải thiện rất rõ. Nếu như năm 2000 tỉ lệ nội địa hoá mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã đạt trên 50%. Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).
Vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm, thị trường chính
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp cần có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tuy có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng con số thống kê cho thấy, tỉ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra cho chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động lớn.
Một hạn chế khác cần được khắc phục là tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính, cá biệt, có mặt hàng phụ thuộc vào 1 thị trường duy nhất. Đây là rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động.
Năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết tại các hiệp định FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Theo Chinhphu.vn