Hơn 10 ngày trở lại đây, do ghẹ con xuất hiện khá dày nên ngư dân ở 2 xã An Hiệp và An Hòa (huyện Tuy An) đánh bắt được lượng ghẹ khá lớn trên đầm Ô Loan.
Phương thức được sử dụng phổ biến là bóng Thái Lan (lờ ruột heo) đặt dưới phần tầng đáy đầm chiều hôm trước, đến sáng hôm sau, họ dùng sõng đến dỡ bóng, trút ghẹ. Bình quân mỗi đêm, một lao động ở đây có thể khai thác được từ 20-30kg ghẹ, có người còn thu bắt được trên 70kg. Tổng sản lượng ghẹ đánh bắt được ở đây từ 2-3 tấn/đêm.
Nhiều lão ngư ở đây cho biết, ghẹ khai thác được ở đây khi có kích cỡ và trọng lượng còn quá nhỏ, chỉ đạt từ 2-4cm và trọng lượng từ 80-120 con/kg. Do vậy, toàn bộ sản lượng ghẹ khai thác được chỉ bán cho thương lái về đây mua gom, sau đó bán lại cho hộ nuôi thủy sản để làm thức ăn cho các đối tượng thủy sản nuôi, với giá bán chỉ từ 17.000-19.000 đồng/kg (tùy theo sản lượng thu bắt được trong ngày). Nếu số lượng ghẹ này được bảo vệ trong đầm, thì chỉ cần khoảng 2 tháng nữa, ghẹ sẽ đạt từ 5-7 con/kg, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với thời điểm hiện nay.
Hiện phần lớn ngư dân ở đây đều sử dụng bóng Thái Lan để khai thác ghẹ. Tuy không nằm trong danh mục cấm nhưng loại ngư cụ này rất nguy hiểm khi sử dụng để khai thác thủy sản, bởi nó mang tính hủy diệt vì khi các đối tượng thủy sản, trong đó có ghẹ đều bị bóng Thái Lan thu bắt, không phân biệt kích cỡ.
Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngư dân sử dụng bóng Thái Lan để khai thác thủy sản, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và các đối tượng thủy sản trong đầm nói chung.
KHẮC NHO