Việc quy hoạch sản xuất gắn với xây dựng các nhà máy chế biến đã giúp người dân vùng miền núi có đầu ra tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Nhưng có thời điểm, do những biến động về giá trên thị trường, người dân chạy theo lợi nhuận, phá vỡ quy hoạch sản xuất, còn nhà máy thì chậm thu mua. Để giải quyết triệt để vấn đề này thì chỉ có cách người dân sản xuất theo quy hoạch và cùng với doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng thu mua nguyên liệu đã ký.
Hiệu quả thực tế
Hơn 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của các nhà máy đường, nhà máy tinh bột sắn… đã giúp người trồng mía, sắn ở 3 huyện miền núi như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân chấm dứt cảnh trồng ra không biết bán cho ai. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), trước đây, nhà ông trồng sắn chỉ để ăn lót bữa, hoặc bán cho người ta độn nấu cám nuôi heo. Nên dù có gần 1ha đất rẫy, gia đình ông cũng chỉ trồng xen canh manh mún sắn, hoa màu, cây ăn trái. Có lúc, ông còn bỏ hoang đất vì trồng ra sản phẩm không có người mua, mà cũng không có tiền chi phí phân, giống. Đến năm 2006, Nhà máy Tinh bột sắn Đồng Xuân đi vào hoạt động, sắn của người dân đã có chỗ bán ổn định với giá cao. “Tôi nhớ thời điểm đó, thương lái ngoài mua với giá 500-550 đồng/kg, nhà máy thu mua tới 670 đồng/kg sắn củ tươi. Tôi mừng lắm, tăng diện tích trồng từ 2 sào lên 7 sào. Cho đến nay, tôi vẫn trồng sắn bán cho nhà máy và tôi đã sắm được ti vi, xe máy, xây nhà mới…”, ông Thịnh nói.
Nhiều hộ nhờ có nhà máy tiêu thụ đã vươn lên làm giàu. Ông Trần Văn Muôn ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), cho biết: Năm 1992, gia đình tôi sở hữu 1,9ha đất trồng mía. Nhưng thời điểm đó chưa có nhà máy đường. Mía trồng ra chỉ có thể ép thủ công bán lẻ đường mật cho dân. Tuy có thu nhập nhưng công sức và chi phí bỏ ra nhiều, đặc biệt là sản xuất không ổn định vì nhiều lúc làm ra không biết bán cho ai. Đến năm 1999, khi xã Sơn Nguyên trở thành vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, mía của gia đình tôi được thu mua đều đều nên thu nhập từ trồng mía ngày càng cao.
Không chỉ giúp người dân, các doanh nghiệp mía đường, sắn còn giúp giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách hàng năm của tỉnh. Theo Ban điều hành chương trình mía đường, sắn của tỉnh, niên vụ mía 2016-2017, các doanh nghiệp này nộp vào ngân sách nhà nước hơn 100 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng…
Cần tiếp tục hợp tác
Có nhà máy, có chỗ bán, nhưng nông dân vẫn chưa hết lo. Ma Giảm ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), bày tỏ: Nhà máy hãy thực hiện đúng hợp đồng, tức là ký thu mua với nông dân vào tháng 1 thì tháng 1 cho chặt, chứ nhiều lúc nhà máy để đến gần hết tháng 2 vẫn chưa cho người xuống thu mua. Nông dân trông cả vào cây mía, nhà máy chậm cho chặt một ngày là lo một ngày; nào là lo mía trổ cờ mất chữ đường, lo hỏa hoạn, lo mưa gió…
Nhà máy chậm thu mua, có hộ thậm chí đã đốt bỏ sản phẩm. Ông Mai Thanh Hiền ở buôn Zô, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) đã đốt bỏ hơn 1ha mía đang thu hoạch. Theo ông Hiền, ông đốt bỏ mía vì mía chặt ra mang bán cho Nhà máy đường Tuy Hòa nhưng nhà máy không thu mua. Bán cho thương lái thì chỉ được 10-15 triệu đồng/ha (thay vì 60 triệu đồng/ha như vụ trước), không đủ chi phí phân, thuốc…
Trong khi đó, các nhà máy cho rằng nhiều nông dân có diện tích sản xuất trong vùng nguyên liệu nhưng không ký hợp đồng bán mía cho nhà máy hoặc có ký hợp đồng nhưng khi giá mía cao thì bán cho tư thương nơi khác. “Như trường hợp của ông Mai Thanh Hiền, chính quyền đã tìm hiểu thì được biết diện tích mà ông Hiền đốt bỏ, Nhà máy Mía đường Tuy Hòa không thu mua vì ông không ký hợp đồng bán cho nhà máy từ đầu vụ. Những năm trước, khi giá mía cao, ông Hiền bán mía cho các nhà máy đường tỉnh khác…”, ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết. Còn theo ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, giữa vụ ép 2015-2016, một số hộ dân đã bán khoảng 70.000-75.000 tấn mía cây ra bên ngoài. Trong khi đó, từ đầu vụ, công ty đã ký trước hợp đồng cung ứng đường với các khách hàng lớn dựa trên diện tích mía vùng nguyên liệu. Điều này khiến công ty thiệt hại hơn 8 tỉ đồng vì không đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng.
Đối với cây sắn cũng vậy, năm 2016 khi giá gỗ nguyên liệu tăng, giá sắn xuống thấp, người dân đã bỏ sắn trồng rừng, làm phá vỡ vùng nguyên liệu sắn. Còn hiện nay, khi giá mía xuống thấp và giá sắn “nhích” hơn thì người dân lại đổ xô trồng sắn.
UBND tỉnh và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tìm tiếng nói chung giữa người dân với các doanh nghiệp thu mua. Tại những cuộc đối thoại này, ông K.Sat Yana Rayana, Giám đốc vùng nguyên liệu của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, cho biết: Công ty sẽ mua toàn bộ mía cho bà con, nhưng ưu tiên những hộ đã ký hợp đồng. Những hộ không ký sẽ được thu mua với giá thấp hơn. Còn theo bà Tôn Nữ Diễm Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, nhà máy có trách nhiệm thu mua mía của người dân, ngược lại bà con cũng phải có trách nhiệm khi ký hợp đồng thu mua nguyên liệu, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy. |
MINH DUYÊN