Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các địa phương tự túc ngân sách phải xử lý xong nợ trước tháng 6/2018.
“Vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có các giải pháp cũng như việc chỉ đạo của từng địa phương phải tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới”, ông Tiến cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, các giải pháp để xử lý vấn đề này gồm: ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách của chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 để xử lý xong nợ thì mới đầu tư cho công trình khác.
Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm soát việc phê duyệt các dự án đầu tư, khi nào xác định được nguồn vốn thì các địa phương mới quyết định đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện cho các tiêu chí nông thôn mới. Một giải pháp nữa là Ban chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương quan tâm làm sao đẩy mạnh huy động các nguồn lực.
“Bởi đây là năm mà chúng ta có điều kiện khi mà tình hình phát triển kinh tế của đất nước đang tốt hơn; thu ngân sách của các địa phương có nhiều khả quan. Một nguồn thu khác cũng quan trọng là từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất... Với những giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt thì chúng tôi tin tưởng rằng sẽ xử lý được dứt điểm nợ đọng trong năm 2018 theo đúng tinh thần Nghị quyết 32 của Quốc hội”, ông Tiến nói.
Theo báo cáo của các địa phương, đến hết 31/1/2018, toàn quốc có 26/63 tỉnh không nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2017 có thêm 11 địa phương báo cáo đã xử lý hết nợ. Đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới còn khoảng 4.943 tỉ đồng, giảm 10.284 tỉ đồng so với thời điểm 31/11/2016 và giảm 4.872 tỉ đồng so với thời điểm ngày 31/1/2017.
Theo TTXVN