Phú Yên là tỉnh có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng xanh. Một số dự án sản xuất năng lượng xanh như điện sinh khối, điện mặt trời đã được triển khai hiệu quả; một số nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát và lập dự án khai thác các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Một số dự án đi vào hoạt động
Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, nguồn điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được mua với giá 2.086 đồng/kWh, cùng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư, thuế thu nhập doanh nghiệp… |
Nhà máy điện sinh khối KCP thuộc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa) được xây dựng từ năm 2015, chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4/2017. Nhà máy này tận dụng nguồn bã mía tồn dư từ Nhà máy đường KCP để đốt tạo ra nguồn điện sinh khối. Đây là lần đầu tiên trong cả nước có nhà máy sản xuất điện sinh khối hòa lưới điện quốc gia.
Theo ông K.V,S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, dự án Nhà máy điện sinh khối KCP có tổng công suất 60MW, kinh phí đầu tư gần 1.300 tỉ đồng. Năm qua, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 30MW. Hiện đơn vị triển khai giai đoạn 2 của dự án nhằm nâng công suất lên 60MW.
Ngoài điện sinh khối, Phú Yên còn có dự án điện năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng tại phố đi bộ Độc Lập. Dự án này được đầu tư với kinh phí trên 2 tỉ đồng; cấp điện vận hành 14 máy bơm tưới, hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật trong khuôn viên rộng 6ha và các trụ tắm nước ngọt; giúp tỉnh tiết kiệm hơn 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, dự án đầu tư hệ thống bơm tưới mía bằng pin năng lượng mặt trời của Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương) hỗ trợ một nông dân ở huyện miền núi huyện Sơn Hòa cũng đã được đưa vào hoạt động, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa có điện để sản xuất, sinh hoạt.
Mới đây, Công ty Điện lực Phú Yên cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở đơn vị với công suất 40kWp, tổng kinh phí trên 1,5 tỉ đồng. Hệ thống này cung cấp điện cho các hoạt động tại công ty; phần còn thừa sẽ phát ngược lên lưới. Những năm tiếp theo, đơn vị này sẽ đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại các điện lực trực thuộc với tổng công suất 360kWp, tổng kinh phí trên 10 tỉ đồng.
Nhiều tiềm năng phát triển
Vừa qua, UBND tỉnh đã đưa ra danh mục 14 địa điểm có tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời với tổng diện tích 5.160ha, công suất dự kiến 3.541MW, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu và thực hiện các dự án điện mặt trời. Những địa điểm trong danh mục thuộc vùng đồi núi bằng phẳng, đất mặt nước chuyên dùng hay đất lúa đã được quy hoạch thành khu công nghiệp đa ngành… Trong đó, 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân có thể triển khai 4 dự án điện mặt trời trên mặt nước chuyên dùng của các hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, hồ Buôn Đức và Phú Xuân với tổng diện tích 3.900ha, công suất dự kiến 2.640MW.
Hiện tỉnh đã cho phép 20 nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với 19 dự án điện mặt trời, điện gió; tổng công suất hơn 1.260MW. UBND tỉnh cũng đã trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt 16 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất hơn 1.210MW.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Trên địa bàn tỉnh có một số vùng điều kiện bất lợi, trồng cây nông nghiệp không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, ở đây số giờ nắng lại rất cao, phù hợp cho việc phát triển năng lượng mặt trời. Hiện có khoảng 20 nhà đầu tư đăng ký, tiếp cận để nghiên cứu phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời vào tỉnh. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát; đồng thời đề xuất Bộ Công thương xem xét, bổ sung các dự án này vào quy hoạch chung.
Về phần mình, Phú Yên đã điều chỉnh quy hoạch những vùng đất sản xuất khó khăn, kém hiệu quả để ưu tiên cho việc thực hiện các dự án điện mặt trời, điện gió. Với ưu thế về mặt bằng “sạch”, khi các dự án này được phép triển khai, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ về nhân lực, giao thông và các điều kiện khác. Có thể nói, Phú Yên đã sẵn sàng các điều kiện cơ bản nhất để “dọn đường” cho các dự án năng lượng xanh.
NGÔ XUÂN