Nhiều năm nay, mô hình Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) và xã An Mỹ (huyện Tuy An) không chỉ góp phần quảng bá giới thiệu sản phẩm bánh tráng truyền thống quê nhà, mà còn giúp phụ nữ nơi đây có việc làm ổn định, cải thiện đời sống.
Ngày trước, để có tiền trang trải hàng ngày trong gia đình, vợ chồng bà Nguyễn Thị Rê ở thôn Quy Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) ngoài việc làm ruộng phải chăn nuôi thêm heo, gà, vịt, nhưng vẫn khó khăn. Năm 2008, bà Rê cùng chồng là ông Đặng Sỹ quyết định làm lò tráng bánh. Thời gian đầu chưa có vốn, chưa quen nghề, mỗi ngày vợ chồng bà Rê chỉ tráng 10kg gạo, sau này quen tay, bánh tráng ra lò nhiều hơn nhưng thu nhập cũng không cải thiện nhiều vì thời tiết mưa gió thất thường.
Năm 2014, bà Rê được Hội LHPN xã giới thiệu về mô hình Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo do Hội LHPN tỉnh triển khai ở xã Hòa Trị dưới sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Sau khi được tập huấn kỹ thuật làm dàn sấy, bà Rê mượn 5 triệu đồng của Trung ương Hội cùng với nguồn vốn của gia đình làm dàn sấy bánh tráng. Có dàn sấy, vợ chồng bà Rê yên tâm tráng bánh, không sợ trời mưa bất chợt.
Ông Sỹ nói: “Hồi chưa có dàn sấy, vợ chồng tôi cứ phập phồng lo tối ngâm gạo nếu lỡ ngày mai trời mưa thì làm sao tráng, phơi bánh. Còn bây giờ trời có mưa gió gì cũng không còn lo lắng nữa, vì đã có dàn sấy”. Có dàn sấy, bình quân một ngày gia đình bà Rê tráng được 50-100kg gạo, thu nhập bình quân mỗi người trên 200.000 đồng. Đồng thời, vợ chồng bà Rê còn tận dụng thức ăn thừa từ việc tráng bánh để nuôi heo nái, heo thịt. Nhờ vậy, kinh tế ngày một cải thiện.
Hơn 23 năm trong nghề tráng bánh truyền thống, chị Đặng Thị Sông, 56 tuổi ở thôn Quy Hậu biết nghề này cực nhọc, phải thức khuya dậy sớm. Nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Hơn 4 năm trở lại đây, chị Sông cũng là thành viên của Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo ở xã Hòa Trị.
Không những được tham gia tập huấn nâng cao tay nghề, chị Sông còn được Hội LHPN tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiết kế và in nhãn mác sản phẩm bánh tráng của mình. Bánh tráng của chị Sông hiện giờ không chỉ có mặt ở thị trường Phú Yên, mà còn ở Phú Quốc, TP Hồ chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk…, nhất là vào mỗi dịp Tết. Chị Sông tươi cười: “Công quảng bá này là nhờ Hội LHPN tỉnh kết nối. Vợ chồng tôi rất vui, biết ơn sự hỗ trợ của các cấp Hội rất nhiều”.
Nói về mô hình này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho hay: Ngoài Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo ở xã Hòa Trị, Phú Yên còn có một Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An). Cả hai này được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ trong đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015. Ngoài được tập huấn, 38 phụ nữ tham gia mô hình này được Trung ương Hội hỗ trợ 190 triệu đồng để đầu tư dàn sấy và thiết kế, nhãn mác giới thiệu sản phẩm thị trường…, nhằm tạo điều kiện giúp chị em liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển nghề truyền thống địa phương.
KHÁNH NGỌC