UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.
Theo đó, việc cơ cấu lại đầu tư công tập trung vào các công trình, dự án quan trọng, có sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.
Về định hướng đầu tư công theo nguồn vốn, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn từ nguồn thu để lại nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình quan trọng, các dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, sẽ ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.
Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, ưu tiên đầu tư cho Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh và Chương trình bê tông hẻm phố tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các dự án, công trình quan trọng, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành Y tế, Giáo dục,...
Đối với vùng ven biển (TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đông Hòa), tập trung đầu tư xây dựng vùng biển và ven biển trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng. Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tiếp tục đầu tư xây dựng TP Tuy Hòa thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và từng bước hiện đại với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ; đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh; tập trung đầu tư đưa TX Sông Cầu lên đô thị loại 3 theo hướng trở thành đô thị du lịch, huyện Đông Hòa trở thành thị xã theo hướng thị xã công nghiệp. Đầu tư hạ tầng để nâng cấp thị trấn Chí Thạnh lên đô thị loại IV.
Vùng miền núi (các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh), tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, quy hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, buôn, làng có đường giao thông kiên cố đi lại cả bốn mùa, có hệ thống hạ tầng thiết yếu... Đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên huyện để kết nối giữa các huyện trong tỉnh, phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, nhân rộng mô hình thủy lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi, chia cắt ở miền núi và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư trên địa bàn.
Vùng đồng bằng (huyện Tây Hòa và Phú Hòa), tập trung ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết hợp chặt chẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi với phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư nông thôn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa và Tuy An (cầu Dinh Ông), nâng cấp quốc lộ 25, 29…
Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp để thực hiện việc cơ cấu lại đầu tư công của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.
(PYP)