Xuất khẩu hàng hóa là một trong những thế mạnh của Phú Yên những năm qua. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, các ngành chức năng, doanh nghiệp của tỉnh cần có những định hướng, cách làm mới để thúc đẩy hoạt động này ngày càng phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chưa bền vững
Những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Phú Yên chú trọng xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Ngoài việc doanh nghiệp chủ động, tìm kiếm thị trường, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động này. Theo Sở Công thương, năm qua, các sở, ban ngành của tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nên tình hình xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp được cải thiện hơn so với những năm trước.
Cụ thể năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 134,6 triệu USD, tăng hơn 22,6% so với năm 2016. Trong đó, các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy, hải sản đạt kim ngạch gần 53 triệu USD, tăng 50%. Ngành hàng quần áo may sẵn cũng đạt kim ngạch hơn 24 triệu USD, tăng gần 12%. Nhân hạt điều đạt kim ngạch 40,2 triệu USD, tăng 16,2% với sản lượng là 4.100 tấn, chiếm 37,3% sản lượng hàng chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh…
Theo đại diện Sở Công thương, kết quả này đạt được ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp trong tỉnh còn có sự đóng góp tích cực của một số doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh thực hiện mở tờ khai xuất khẩu tại Phú Yên. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Phú Yên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chưa có sự chuyển biến mạnh, chủ yếu vẫn là hàng nông, lâm, thủy sản và ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu còn hạn chế. Sản lượng sản phẩm xuất khẩu được tính kim ngạch cho Phú Yên còn thấp so với thực tế sản lượng của một số mặt hàng chủ lực được sản xuất tại tỉnh như nhân hạt điều, quần áo may sẵn, dăm gỗ, cá ngừ… Quan trọng hơn là hạ tầng cơ sở dịch vụ phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.
Qua nắm bắt thực tế thì mỗi một ngành hàng xuất khẩu đều gặp những khó khăn riêng và cần được giải quyết kịp thời. Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc, cho hay: Các nước đều rất khắt khe trong việc tiếp nhận sản phẩm. Với thủy sản thì chất lượng, an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản rất khó khăn về nguồn nguyên liệu do sản lượng, chất lượng không được tốt.
Tỉnh cần tạo điều kiện để ngư dân gắn kết hơn nữa với doanh nghiệp trong việc bảo quản, tiếp nhận nguyên liệu. Còn theo ông Phạm Phi Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Thông, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của tỉnh, thì để xuất khẩu được sang các nước, doanh nghiệp phải có vốn trên dưới 60 tỉ đồng nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Phú Yên thì số tiền này không phải nhỏ. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên rất cần tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, xem doanh nghiệp là đối tượng để chia sẻ, giúp đỡ…
Cần thêm nhiều giải pháp
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, muốn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Phú Yên phát triển, thì hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về thủ tục, giá thuê đất, điều kiện vay, thậm chí là hỗ trợ giải quyết các vấn đề về môi trường tại khu sản xuất… Theo ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, lâu nay, đơn vị luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu kinh tế hay bổ sung ngành nghề và mở các lớp tập huấn đào tạo theo nhu cầu nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu cao và thành công với lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa trong năm 2017 là Công ty CP An Hưng, Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên, Công ty TNHH Nguyên Thông, Công ty TNHH Công nghiệp Semco, Công ty CP Long Sơn, Công ty CP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi. Sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp là hạt điều, may mặc, kính pano, thủy hải sản, tinh bột sắn... |
Trong thời gian tới, không chỉ Sở KH-ĐT mà các đơn vị khác cũng tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp; nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các ngành cũng sẽ đẩy mạnh, phát triển các dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Năm 2018, Phú Yên phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 145 triệu USD. Để đạt con số này, bên cạnh sự hỗ trợ của các sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh cần nỗ lực duy trì ổn định và phát triển sản xuất, xuất khẩu đối với thị trường truyền thống, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để mở rộng thị trường mới.
Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tiếp tục mở tờ khai hải quan điện tử ở Chi cục Hải quan Phú Yên để đóng góp vào giá trị xuất khẩu cho tỉnh. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên quan tâm hơn nữa việc xây dựng và quảng bá thương hiệu; chủ động nghiên cứu các quy định, cam kết về thuế quan, rào cản kỹ thuật trong thương mại, đề phòng rủi ro và tận dụng cơ hội để phát triển. Sở Công thương sẽ tăng cường cung cấp thông tin về cơ hội giao thương, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập quốc tế để doanh nghiệp nắm bắt và có kế hoạch thực hiện.
VÕ PHÊ