Gần tháng nay, tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) bị bệnh. Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân do mật độ nuôi dày, người nuôi trút thức ăn cho tôm xuống vịnh nhiều dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Tôm hùm ngắc ngư
Vịnh Xuân Đài trải dài từ phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương. Những ngày qua, ngày nào ở đây cũng có tôm hùm chết do bệnh sữa, bệnh cứng vỏ. Ông Lê Minh Lộc, người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Thành than vãn: Gần tháng nay, tôm hùm bị rất nhiều bệnh, có hôm bè nuôi của tôi có đến 12 con tôm hùm ngắc ngư trồi đầu lên vì bệnh sữa. Theo ông Lộc, nếu tôm thành phẩm bán 1,6 triệu đồng/kg, thì chi phí đầu tư hết 1,2 triệu đồng, người nuôi bỏ túi 400.000 đồng/kg. Còn tôm hùm bệnh thì bán đổ bán tháo, chỉ 600.000 đồng/kg, người nuôi phải bù lỗ 600.000 đồng. “Với 12 con tôm hùm sắp đến ngày xuất bán (trọng lượng 0,6-0,8kg/con), tôi phải bù lỗ gần 2 triệu đồng, đó là chưa tính số đã bán đổ bán tháo mấy hôm trước”, ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Long, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, buồn rầu cho hay: Sáng sớm, tôi lặn xuống vớt tôm đừ (tôm yếu) lên bờ. Ngoài tôm bị bệnh sữa thì tôi còn phát hiện có con tôm vỏ của nó bị hàu chỉ và các sinh vật khác bám dày đến nỗi “bó” con tôm không thay vỏ được; loại này nếu tiếp tục nuôi thì cũng chết dần chết mòn. Theo kinh nghiệm của tôi, tôm khỏe mạnh thì lanh, càng que nó “gãi” (làm vệ sinh quanh vỏ) thì không sinh vật nào bám được. Còn tôm đừ thì bị hàu chỉ và các sinh vật khác “bó” vỏ riết rồi chết.
Năm ngoái, bệnh trên tôm hùm ở vịnh Xuân Đài làm điêu đứng người nuôi, thời gian cao điểm đã có hơn 1,6 triệu con tôm hùm của gần 700 hộ nuôi bị chết, có trường hợp thiệt hại đến hàng chục tỉ đồng. Riêng hiện nay, tôm hùm bị bệnh chết còn có dấu hiệu lan rộng khi thời tiết bắt đầu giao mùa nắng nóng. Bà Bùi Thị Lan, một phụ nữ mua tôm cho biết: Từ sáng đến giờ, tôi chạy ghe rảo một góc nhỏ trên vịnh Xuân Đài mua 70kg tôm hùm đừ ngắc ngư.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay, bệnh sữa xảy ra trên tôm hùm nuôi lồng tại TX Sông Cầu ở tất cả các loại tôm; trong đó, tôm hùm bông có tỉ lệ chết cao hơn hẳn. Ước tỉ lệ tôm hùm chết do bệnh sữa khoảng 10%, cá biệt có một số lồng tôm hùm bông bị nhiễm bệnh sữa chết khoảng 20-30%. Qua kiểm tra, chi cục xác định nguyên nhân gây bệnh do mật độ lồng nuôi dày làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép.
Nguồn nước bị ô nhiễm
Cách đây 5 năm, vịnh Xuân Đài có 1.124 hộ nuôi tôm hùm với 13.302 lồng nuôi, nay tăng lên 20.000 lồng. Với số lồng nuôi quá tải như hiện nay, hàng ngày người nuôi trút xuống vịnh trên ngàn tấn thức ăn (mỗi lồng nuôi, tôm ăn 70kg thức ăn/ngày). Thức ăn cho tôm hùm là thức ăn sống như cua, ốc, cá. Ngoài phần thịt tôm hùm ăn còn phần vỏ cua ốc chìm xuống nước lâu ngày gây hôi thối. Đó là chưa kể mỗi lần người nuôi rửa mồi cua, ốc, cá, nước đen túa ra. Lâu ngày nước đóng bợn, rong nổi lên bám dày làm nguồn nước ô nhiễm. Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, cho biết: Kết quả các thông số môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi khiến sức đề kháng của tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm. Trung tâm đã gửi kết quả quan trắc môi trường đến 800 hộ nuôi tôm qua tin nhắn, cảnh báo về nguy cơ môi trường của vùng nuôi.
Hiện tượng tôm hùm chết xảy ra gần đây, nguyên nhân do nước bị ô nhiễm, thiếu oxy. Mới đây, qua xét nghiệm các mẫu nước ở nhiều khu vực trong vịnh Xuân Đài, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên kết luận, mật độ Vibrio SPP vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng tại vùng nuôi Xuân Yên, các mẫu nước tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy có hàm lượng DO thấp do tồn đọng nhiều chất hữu cơ, thiếu oxy vào sáng sớm.
Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đến nay, bệnh sữa trên tôm hùm nuôi đã có chiều hướng giảm hơn so với thời điểm sau Tết Mậu Tuất. Ngành Thú y đã hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng và điều trị. Cụ thể, khi phát hiện tôm hùm nuôi bị bệnh sữa hoặc những lồng tôm trong vùng nuôi đang xảy ra bệnh sữa, người nuôi phải trộn kháng sinh, khoáng chất vào thức ăn cho tôm định kỳ từ 30-45 ngày/lần. Người nuôi cũng cần định kỳ vệ sinh lồng nuôi, tránh để rong rêu bám làm bít lỗ lưới, cản trở lưu thông nước. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có bệnh sang những vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan bệnh. Không nuôi với mật độ dày, khoảng cách giữa các lồng nuôi tôm trong cùng một bè phải đảm bảo tối thiểu 1m, khoảng cách giữa các bè nuôi tôm đảm bảo tối thiểu 50m. Thu gom thức ăn dư thừa hàng ngày. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh ra khỏi lồng để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh.
LÊ TRÂM - TUYẾT HƯƠNG