Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hiệp định sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang 11 nước thành viên của hiệp định, cũng như nhập khẩu được nguồn nguyên liệu dồi dào từ các nước này.
Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể đáp ứng yêu cầu của các thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, TPP hay CPTPP đều có những tác động tích cực tới ngành thép Việt Nam, nhiều hơn là mặt tác động tiêu cực. Một số nước nằm trong nhóm CPTPP nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.
Các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời, ở chiều ngược lại, nhiều nước trong khối này có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, than cốc…, có thể kể đến như Úc.
Điều này sẽ giúp Việt Nam dễ dàng nhập khẩu nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị để hiện đại hóa và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, CPTPP cũng mang tới tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp ngành thép trong nước, mặc dù tác động này là không lớn. Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội khối không đáng kể. Nếu có ảnh hưởng thì lĩnh vực thép xây dựng sẽ chịu tác động mạnh hơn cả.
Còn với mặt hàng tôn mạ, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua, do vậy, cơ hội cho ngành tôn mạ sẽ lớn hơn.
Để có thể tận dụng những cơ hội mà CPTPP mang lại về các ưu đãi, thuế quan…, theo ông Sưa, các doanh nghiệp ngành thép trong nước cần phải nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có thể đáp ứng tốt nhất, đồng thời tránh được các rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình tăng trưởng bền vững của mình, hướng tới chất lượng và chiều sâu. Khi đó, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, bảo vệ môi trường phải đóng vai trò thiết yếu trong giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm.
Hiệp hội Thép đã và đang hỗ trợ về pháp lý, kỹ thuật cho các doanh nghiệp khi thực hiện, tham gia tố tụng thương mại với nước ngoài, đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quá trình hội nhập ngày càng hiệu quả hơn, đem lại những cơ hội, lợi ích cho chính họ và cho ngành thép Việt Nam.
Theo ông Đào Phan Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), khi gia nhập CPTPP thì phải chấp nhận cuộc chơi mới mà ở ngành cơ khí, Việt Nam lại yếu thế hơn, do nội lực của ngành này trong nước vẫn còn hạn chế. Khó khăn và tác động tiêu cực sẽ là nhiều hơn do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước trong nhóm này.
Ông Long dự báo, ngành cơ khí Việt Nam sẽ đi theo 2 hướng, một là tiếp tục làm gia công, “làm thuê” cho các nước phát triển. Hai là kết hợp với các nước, thông qua quá trình hội nhập để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Có như vậy, cơ khí Việt Nam mới đi lên được. Điều này phụ thuộc nhiều vào định hướng phát triển của Chính phủ và sự thực hiện của các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp.
Ngành cơ khí Việt Nam sau nhiều năm phát triển vẫn còn non trẻ, cả về công nghệ, nhân lực... còn yếu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ, nếu không biết liên kết, tìm thị trường, sẽ có khả năng bị “xóa sổ”.
Ông Đào Phan Long bày tỏ, tham gia CPTPP, Việt Nam được lợi sẽ có một thị trường rộng lớn hơn, với thuế suất giảm, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nước nhà. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cần định hướng chiến lược phát triển cụ thể, mũi nhọn để doanh nghiệp có được cơ sở đầu tư.
Là ngành cũng chịu tác động mạnh của CPTPP, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, CPTPP vẫn được kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu cho ngành dệt may.
Tính chung ngành dệt may trong năm 2017 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với tỉ trọng trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 12,58 tỉ USD, theo sau là các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ của ngành dệt may khi năm 2017 có nhiều khó khăn, nhất là việc Mỹ rút khỏi TPP.
Ngành dệt may cũng đặt mục tiêu đạt 34 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018, tăng 10% so với năm 2017. Theo ông Cẩm, nhìn vào số liệu kim ngạch xuất khẩu dệt may khi không có TPP các doanh nghiệp dệt may vẫn phát triển khá cao vào thị trường Mỹ.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam và kết quả này là thực lực của các doanh nghiệp dệt may. CPTPP là cơ hội để dệt may Việt Nam mở rộng thị trường sang các nước khác.
Tuy nhiên, muốn tận dụng tối đa các hiệp định thương mại ngành dệt may với các nước thành viên của CPTPP, các doanh nghiệp dệt may cần có những cải cách đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn, theo đó, không chỉ làm gia công mà các doanh nghiệp cần chuyển sang làm các mặt hàng nguyên phụ liệu.
Ông Phí Ngọc Trình, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, CPTPP được ký kết doanh nghiệp dêt may sẽ có cơ hội nhiều nhiều hơn vào các thị trường như Úc, Canada.
Đây cũng là các thị trường tiềm năng trong xuất khẩu dệt may Việt Nam bởi với Úc, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế so với doanh nghiệp của các quốc gia khác. Còn Canada là quốc gia có mức tiêu dùng hàng may mặc bán lẻ thuộc loại cao.
Có thể nói tiềm năng xuất khẩu sang hai nước này còn nhiều dư địa nhưng quan trọng nhất vẫn là phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường Úc, ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam đánh giá, Việt Nam và Úc đã gần như có những hợp tác toàn diện nên cơ bản hai bên đang tạo điều kiện hết sức để hàng hóa có thể thuận lợi mở cửa, giao dịch.
Từ hỗ trợ kỹ thuật cho đến xúc tiến nhanh các thủ tục để sớm mở cửa thị trường. Nếu trước đây phải mất từ 9-10 năm mới mở cửa được một mặt hàng sang thị trường Úc thì nay chỉ mất từ 2-3 năm. Hiệp định CPTPP sẽ giúp mở cửa nhanh chóng hơn các sản phẩm nông sản Việt vào thị trường này, nhất là đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, có nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ sẽ cơ hội tốt hơn.
Nhiều mặt hàng đang trên bàn đàm phán sẽ có cơ hội sớm được mở cửa thị trường. Phía Úc cũng đánh giá tốt về chất lượng nông sản cũng như áp dụng các quy định, các quy chuẩn của họ trong sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Úc, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả ở miền bắc còn gặp khó khăn về vận chuyển. Hàng hóa từ miền Nam sang Úc mất từ 11-13 ngày nhưng từ miền bắc phải mất từ 21-24 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Với việc mở cửa thị trường xuất khẩu, Nhà nước cũng có chính sách tháo gỡ khó khăn để phát triển logictics tốt hơn. Với thị trường xuất khẩu trái cây tươi hiện nay là Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Foods nhận định, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước sẽ trở nên khó khăn nhưng sẽ thuận lợi với thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên khó khăn của trong nước cũng sẽ làm cho doanh nghiệp, nông dân phải tiến lên sản xuất lớn, sản xuất theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Nhận định CPTPP chắc chắn sẽ gỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan nhưng sẽ tăng hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Công ty Hoàng Phát Foods cũng đã chuẩn bị trước bằng cách mở rộng sản xuất, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Để giúp nông sản Việt Nam thêm khả năng cạnh tranh, ông Nguyễn Khắc Huy cũng kiến nghị, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tiếp tục có chính sách tháo gỡ những khó khăn về logictics.
Theo TTXVN, Vietnam+