Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh (BCH) gồm 28 thành viên, là lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương, giám đốc HTX, liên hiệp HTX… Thời gian qua, BCH đã hoạt động hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn cơ bản cho các HTX, đưa kinh tế tập thể tỉnh phát triển.
Giải quyết các vấn đề căn cơ
Thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động ổn định là điều đầu tiên các đơn vị này cần. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có 80/112 HTX nông nghiệp, chiếm trên 70% số HTX đang hoạt động. Trong năm qua, từ nguồn vốn của chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, vốn của Quyết định 68 về hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh, nguồn vốn hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản…, Sở NN-PTNT tỉnh đã triển khai nhiều mô hình cho hiệu quả, như: Sản xuất lúa giống chất lượng cao trên diện tích 20ha tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Định Tây 1 (huyện Phú Hòa), mô hình 10ha thâm canh cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại HTX Nông nghiệp Hòa Vinh (huyện Đông Hòa). Trong 3 năm qua, 5 HTX được đầu tư hơn 21 tỉ đồng sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng; 21 HTX được hỗ trợ 900 triệu đồng xây dựng mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất trên diện tích 335,5ha… Nhờ đó đến nay, các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả với tổng vốn trên 334 tỉ đồng, tổng doanh thu gần 251 tỉ đồng.
Tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp kinh tế hộ phát triển còn là trách nhiệm của đơn vị kinh tế tập thể. Trong năm 2017, các HTX đã tạo việc làm cho hơn 1.750 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Khi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Các HTX ở địa phương tạo việc làm ổn định cho 323 lao động với mức lương từ 2-3,2 triệu đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong các HTX, thành viên HTX còn được đóng BHXH, BHYT và hưởng các chế độ khác. Còn ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), chia sẻ: Trong 32 lao động thường xuyên tại HTX có 16 người được đóng BHXH, BHYT. Số lao động còn lại, do đã quá tuổi đóng nên được hỗ trợ từ quỹ phúc lợi của HTX.
Trong năm qua, BCH cũng thành công trong việc giúp các HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ. Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên làm việc với các địa phương và các HTX. Qua đây, ngân hàng và các HTX hiểu nhau hơn, còn địa phương thấy được trách nhiệm của mình trong việc phân bổ vốn nông thôn mới cho các HTX xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất. Kết quả, thời gian qua, toàn tỉnh có 112 HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng, với tổng dư nợ gần 17 tỉ đồng, trong đó 9 HTX vay của ngân hàng thương mại 10 tỉ đồng và 93 HTX vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm gần 7 tỉ đồng.
Định hướng thời gian tới
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, trong năm qua, các HTX ở địa phương phát triển hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Sông Hinh có kế hoạch vực dậy hoạt động cho các HTX. Các HTX không chỉ gắn chặt với tiêu chí 13 trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới mà HTX còn là đơn vị hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cho ra đời một số HTX ở những vùng sản xuất chuyên canh mía, sắn, cây ăn trái. Trước mắt, các HTX sẽ quản lý tưới tiêu, thủy lợi nội đồng.
Còn ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Các HTX nông nghiệp được định hướng xây dựng thành các HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Các HTX sẽ có mô hình liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, sản xuất gắn với cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, chế biến theo quy trình công nghệ tiên tiến và tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hiện tỉnh ta đã xây dựng được một số sản phẩm chủ lực sản xuất theo quy mô lớn tại các HTX như rau sạch HTX Bình Ngọc; rượu tằm của HTX Hòa Phong; chim cút của HTX Hòa Hiệp Bắc… Một số HTX cơ bản hiện đại hóa được khâu chế biến, như lúa giống ở HTX Nam An Nghiệp, HTX Hòa Quang Nam. Còn lại khâu tiêu thụ sản phẩm luôn là “bài toán” khó với không riêng các HTX. Để đẩy mạnh khâu này, thời gian tới khuyến khích các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua để hợp tác cùng có lợi.
Các HTX còn lại phát triển theo hướng mở rộng dịch vụ phục vụ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ông Lê Thanh Lam cho biết thêm: Các HTX kinh doanh dịch vụ tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng lại đang gặp khó khăn khi chuyển hoạt động theo Luật HTX 2012, nên nhiều HTX vẫn đang hoạt động mang tính hình thức. Trong năm nay sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng này, bằng cách giải thể bắt buộc các HTX không còn hoạt động, sáp nhập và hợp nhất những HTX hoạt động cầm chừng ở quy mô nhỏ, tạo điều kiện để các HTX hoạt động hiệu quả đáp ứng đúng những yêu cầu của Luật HTX mới. Các HTX nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể, tồn tại có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn, vì vậy BCH với thành viên là lãnh đạo các sở ngành, địa phương đang hỗ trợ đắc lực cho các HTX kiện toàn, tạo điều kiện để đưa kinh tế tập thể tỉnh phát triển.
MINH DUYÊN