Hiện trên thị trường, nhiều mặt hàng phục vụ tết đã bắt đầu tăng giá. Do đó, việc các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá trong thời điểm này là rất cần thiết.
Nhiều mặt hàng tăng giá
Tại các chợ, giá một số mặt hàng thực phẩm phục vụ tết như thịt heo, gà, rim mứt, nông sản… tăng khoảng 5-10%. Hiện thịt gà ta có giá 130.000 đồng/kg, gà tam hoàng 80.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg); thịt heo đùi 70.000 đồng/kg, sườn non 92.000 đồng/kg, ba chỉ 80.000-85.000 đồng/kg, giò 65.000-70.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng/kg). Một số loại thực phẩm chế biến tăng từ 5.000-10.000 đồng như hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, nho khô. Giá các mặt hàng nông sản, trái cây như gừng tươi, măng khô, đậu Hà Lan, cam Vinh, bưởi da xanh… cũng bắt đầu tăng nhẹ. Riêng sản phẩm bia, rượu tăng 5.000 đồng/thùng.
Theo một số tiểu thương, nguyên nhân khiến các loại thịt tươi sống tăng giá xuất phát từ người nuôi, tức là tăng từ nguồn cung. Chị Trần Thị Tuyết, tiểu thương bán thịt ở chợ Tuy Hòa, cho biết: Hiện nay, nhu cầu người mua thịt heo, gà chưa nhiều nhưng giá tăng là do người nuôi tăng giá, vì lượng cung khan hiếm so với các năm trước. Trong những ngày áp tết, giá các loại thịt sẽ tiếp tục tăng. Còn bà Trương Thị Thúy, tiểu thương bán trái cây ở chợ Tân Hiệp, cho hay: Năm nay, trái cây từ các tỉnh nhập về Phú Yên rất nhiều nên không có tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, trong những ngày cận tết, giá các loại trái cây sẽ tăng.
Những năm gần đây, người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa. Những thực phẩm “sạch”, sản xuất thủ công được nhiều người lựa chọn. Bà Cộng Thị Tú Quỳnh ở phường 4, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Hàng hóa, thực phẩm luôn phong phú về chủng loại vì vậy người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn. Nhưng để an toàn cho sức khỏe, chúng tôi thường chọn mua thực phẩm do các hộ ở địa phương bán, dù giá các loại hàng này có thể cao hơn. Chúng tôi chỉ lo tiểu thương lợi dụng cơ hội nhiều người mua rồi tự tăng giá bán.
Tích cực kiểm soát
Nhu cầu thực phẩm tăng trong dịp tết là tất yếu, nhưng giá thực phẩm tăng luôn tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Tình ở phường 6, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Tết thì nhà nào cũng phải mua sắm nhiều thứ, trong đó thực phẩm là không thể thiếu. Nhưng nếu giá cả cứ liên tục tăng thì không riêng gia đình tôi mà nhiều nhà khác cũng sẽ khó khăn trong chi tiêu. Chúng tôi cần cơ quan chức năng kiểm soát giá cả trên thị trường.
Thực tế, với tình trạng tăng giá thực phẩm, không ít người tiêu dùng lựa chọn giải pháp mua hàng ở các siêu thị, điểm bán hàng bình ổn. Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho biết: Co.opMart bán hàng bình ổn xuyên suốt trong năm và công tác này càng được đẩy mạnh trong dịp tết. Chúng tôi đã chuẩn bị hàng hóa với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dù có thời điểm thị trường tăng giá nhưng siêu thị vẫn đảm bảo cung ứng hàng bình ổn cho người tiêu dùng. Về sức mua, những tuần qua, lượng khách đến siêu thị tăng hơn 10%.
Theo Sở Công thương, hơn 1 tháng nay, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra hoạt động mua bán của tiểu thương, nhất là ở các chợ, đại lý bán lẻ; kiểm soát, ngăn chặn hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời, các lực lượng này cũng theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa trên địa bàn, trong đó chú trọng nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đối với một số cơ sở chưa thực hiện niêm yết giá, các lực lượng đã nhắc nhở, xử phạt hành chính. Về vấn đề tăng giá các mặt hàng phục vụ tết theo quy luật thị trường, nhu cầu, nguồn cung tăng thì hàng hóa bán ra thị trường cũng sẽ tăng. Việc tăng giá hiện nay rơi vào một số mặt hàng thực phẩm tươi, chế biến ở các chợ truyền thống, cơ sở bán lẻ. Hiện các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá bất thường.
VÕ PHÊ