Chủ Nhật, 29/09/2024 20:26 CH
PGS-TS Đinh Văn Nhã, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội:
Sẽ tác động với Trung ương để giúp Phú Yên phát triển nhanh, mạnh
Chủ Nhật, 16/12/2007 07:00 SA

Mới đây, PGS-TS Đinh Văn Nhã, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên (khoá XII), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, đã về Phú Yên thăm hỏi, động viên và trao quà cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại nặng do lũ lụt; tham dự kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Phú Yên khoá V. Dịp này, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Văn Nhã về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 

 

071215-ong-Nha-1.jpg
PGS-TS Đinh Văn Nhã
PGS-TS Đinh Văn Nhã nhận định:

 

Là đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên, tôi nắm bắt được một số tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2007. Nhìn chung, nền kinh tế của tỉnh ổn định và có nhiều mặt phát triển khá. Đây là năm mà tỉnh Phú Yên đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay về giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng vượt bậc; các loại hình dịch vụ được mở rộng hơn và chất lượng nâng cao hơn.

 

Cùng với tăng trưởng kinh tế, Phú Yên đã giải quyết tốt hơn các vấn đề về văn hoá, xã hội. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm.

 

Tuy nhiên, thiên tai lũ lụt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con ở nhiều vùng nông thôn, miền núi. Người dân nông thôn Phú Yên đang gặp khó khăn và rất cần sự trợ giúp, chia sẻ của Trung ương, của cộng đồng xã hội…

 

Phú Yên vẫn là một trong số 15 tỉnh nghèo nhất nước đang được Trung ương hỗ trợ ngân sách hàng năm. Do vậy, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới mới theo kịp nhiều tỉnh bạn trong khu vực và cả nước.

 

SẼ TÁC ĐỘNG VỚI CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ, NGÀNH HỖ TRỢ, ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN LỚN Ở PHÚ YÊN

 

* Ông đánh giá như thế nào về thu hút đầu tư của Phú Yên?

 

- Năm 2007 là năm đặt dấu ấn trong lịch sử phát triển kinh tế của tỉnh. Phú Yên là điểm sáng của khu vực miền Trung về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Thêm vào đó, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh lên 24 dự án.

 

Từ thực tế này, tôi tin, trong vòng 3 – 5 năm nữa, Phú Yên sẽ có rất nhiều dự án lớn được triển khai xây dựng và hoàn thành, đưa vào hoạt động. Đây sẽ là cú hích để Phú Yên tăng tốc phát triển kinh tế công nghiệp.

 

* Phú Yên cần làm gì để tiếp tục thu hút đầu tư, thưa ông?

 

- Những biến động của thị trường thế giới và trong nước sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng huy động vốn sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi biết, Phú Yên luôn biết khắc phục khó khăn và sáng tạo trong tổ chức thu hút đầu tư. Năm 2007 này, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore, thu hút trên 150 doanh nghiệp tham gia và đã có 22 nhà đầu tư nước ngoài đến Phú Yên tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tôi nghĩ, Phú Yên nên tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị xúc tiến đầu tư như vậy ở cả trong và ngoài nước.

 

Ngoài ra, Phú Yên cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ dân cư, từ các doanh nghiệp, từ đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư vào các lĩnh vực mà hiện nay tỉnh còn yếu và thiếu. Đồng thời, quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, phối hợp hỗ trợ phát triển với TP Hồ Chí Minh và với các tỉnh liền kề.

 

* Là đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, công tác tại Trung ương, ông sẽ làm gì để tác động với Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, đầu tư các dự án lớn ở Phú Yên như hầm đèo Cả, đường sắt lên Tây Nguyên, khu kinh tế Nam Phú Yên…?

 

- Đây là những vấn đề mà tôi đặc biệt quan tâm. Tôi sẽ thể hiện hết vai trò trách nhiệm của mình để góp sức tác động, kêu gọi Trung ương, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư nhiều công trình thiết thực, có ý nghĩa làm đòn bẩy cho phát triển nhanh, mạnh kinh tế – xã hội của Phú Yên. Tôi sẽ chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn dự án hỗ trợ mục tiêu, các dự án đầu tư có vai trò làm động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên. Tôi cũng sẽ tác động với Chính phủ ưu tiên sớm đầu tư hầm đèo Cả, nâng cấp quốc lộ 25, xây dựng các dự án đường sắt đi Tây Nguyên (Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột), đường ống dẫn nhiên liệu lên Tây Nguyên; mở quốc lộ 29 từ cửa khẩu Đắk Ruê (biên giới với Campuchia) đến Vũng Rô; cho phép xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên…

 

Tuy nhiên, theo tôi, Phú Yên cũng không nên quá trông chờ vào đầu tư của Trung ương, mà cần tranh thủ thêm tất cả các nguồn vốn đầu tư ODA, NGO (Viện trợ của các Tổ chức phi Chính phủ), vốn FDI… và vận động nhiều hình thức đầu tư như BOT (Đầu tư-khai thác-chuyển giao công trình), BT (Đầu tư-chuyển giao), BTO (Đầu tư-chuyển giao-khai thác)… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế tỉnh.

 

071215-Dong-goi-oc-my-nghe-.jpg

Sản xuất ốc mỹ nghệ xuất khẩu tại doanh nghiệp Đại Hưng Phát - Ảnh: M.NGUYỆT

 

PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG CÁC LOẠI HÌNH KINH TẾ ĐỂ TĂNG NGUỒN THU NGÂN SÁCH

 

* Là người phụ trách về công tác Tài chính – Ngân sách Quốc hội, ông có nhận định gì về tình hình thu ngân sách ở tỉnh Phú Yên?

 

- Phải nói rằng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tuy tăng khá cao so với năm trước (theo dự ước đạt 140,5% dự toán trung ương giao, tăng 25,58% so với năm trước), nhưng chưa có nguồn thu lớn và bền vững. Tôi có thể phân tích cụ thể như thế này. Có 7/21 chỉ tiêu chiếm tỉ trọng lớn trong cân đối ngân sách địa phương vẫn chưa thu đạt dự toán, trong đó thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương trong nhiều năm không đạt dự toán. Khoản thu từ bán quyền sử dụng đất còn chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách.

 

* Vậy Phú Yên cần có những giải pháp gì để chống thất thu thuế, tăng nguồn thu ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội?

 

- Tôi cho rằng, tỉnh cần đánh giá kỹ nguyên nhân gây thất thu đối với từng lĩnh vực, từng khoản thu ngân sách để kịp thời có biện pháp khắc phục; đồng thời rà soát, nắm chắc các đối tượng thuộc diện nộp thuế mới phát sinh để đưa vào quản lý thuế, nhằm chống thất thu. Tôi nghĩ tỉnh cần kiểm tra để tìm ra nguyên nhân các khoản thu không đạt dự toán mang tính chất thường xuyên từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương, từ đó có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

Năm 2008, do khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn có khả năng tăng trưởng nhanh nhờ quá trình cổ phần hoá, Chính phủ cũng đã xóa bỏ việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, nên Phú Yên bố trí thu thuế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp có thể tăng thêm. Phú Yên phải phát triển đa dạng các loại hình kinh tế mới tăng được nguồn thu ngân sách. Hàng loạt công ty lớn đang đầu tư vào Phú Yên sẽ là cơ hội để tỉnh tăng nguồn thu thuế.

 

Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên bám sát tình hình sản xuất của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong vốn đầu tư, từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh… nhằm “nuôi dưỡng nguồn thu” được ổn định lâu dài.

 

* Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN LƯU(thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek