Đến cuối năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nhiệp (CN-TTCN) ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện Đông Hòa đạt 178, 982 tỉ đồng, vượt 19,66% kế hoạch năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là thành phần kinh tế tư nhân với hơn 142 tỉ đồng, chiếm 79,4 % so với tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện, tăng hơn 35% so với năm 2006. Kinh tế cá thể hơn 36,4 tỉ đồng và tập thể hơn 0,3 tỉ đồng.
Làng nghề gốm Hòa Vinh - Ảnh: KIM LONG
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Đông Hòa, cho biết: Để thúc đẩy CN-TTCN trên địa bàn phát triển, huyện tiếp tục thực hiện đề án xây dựng các cụm điểm công nghiệp - làng nghề ở các địa phương để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất công nghiệp sạch. Trong tương lai, huyện đề ra kế hoạch mỗi xã phải quy hoạch quỹ đất từ 5-10ha để tiếp tục hình thành các cụm điểm CN-TTCN của từng địa phương.
UBND huyện Đông Hoà cùng với các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát quy hoạch cụm CN-TTCN tại xã Hoà Xuân Tây. Bước đầu huyện đã tập trung được 7 phân xưởng gồm mây tre đan, nhà máy phân vi sinh, chế biến thức ăn thuỷ sản chế biến hạt điều... Huyện đang chờ chủ trương của tỉnh để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng hình thành một cụm điểm CN-TTCN năng động, phát triển. Giai đoạn đến năm 2010, cùng với xu hướng đa dạng hoá và chuyên môn hoá theo hướng sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp thì các ngành chế biến nông sản, thực phẩm sẽ được huyện phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Như việc hình thành các chợ trung tâm đầu mối về mặt hàng thuỷ sản ở cụm các xã Hoà Hiệp, chợ đầu mối mặt hàng nông sản ở cụm các xã Hoà Xuân để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong huyện. Riêng trong năm 2008, chỉ tiêu tăng trọng về CN-TTCN – Xây dựng phấn đấu đạt 38,18%, trong đó riêng về công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản chiếm 20%.
Việc khôi phục phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống theo hướng xây dựng, hình thành các cụm công nghiệp tập trung gắn với quy hoạch thúc đẩy đô thị hoá, thu hút nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu tại chỗ cũng đang được Đông Hòa triển khai. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh mẽ các nghề TTCN có triển vọng theo hướng sản xuất mở rộng thị trường như các nghề gốm mỹ nghệ Hoà Vinh, nghề đan chiếu cối Phú Hoà (xã Hoà Hiệp Trung), nghề mây tre đan... Ông Dương Tấn Trung, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết: “Việc phát triển các làng nghề CN-TTCN của huyện, bên cạnh phải gắn với việc đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động của làng nghề. Phải đào tạo cho được đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý kinh tế, chiến lược kinh doanh sản xuất cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, giúp họ tiếp cận được với thị trường, các mô hình kinh doanh, nắm bắt được thị trường, sáng tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới lạ và cạnh tranh trong thị trường. Việc ăn nên làm ra hay không, bước đầu chưa quan trọng, cái thành công trước mắt là tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao hơn và có tầm nhìn rộng hơn về lĩnh vực kinh doanh sản xuất ngành nghề CN-TTCN”.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Đông Hoà, huyện sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đề án xây dựng cụm điểm CN Bàn Nham Nam (Hoà Xuân Tây); trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế như điện, nước, thông tin, giao thông... Bên cạnh đó, Đông Hòa sẽ đẩy mạnh và tiếp tục phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế và truyền thống. Giải quyết nhanh chóng kịp thời các nội dung có liên quan đến chính sách mời gọi, thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến với huyện. Trong đó chú ý vào các ngành công nghiệp có khả năng tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động của địa phương, nhất là nhanh chóng chuyển dịch ngành nghề cho số lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp của các dự án công nghiệp.
LÊ THANH HỘI