Năm 2007, dù gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của lũ lụt, sâu bệnh, giá cả thị trường; dịch bệnh gia súc, gia cầm đe doạ… nhưng huyện Đông Hòa đều đạt vượt mức các chỉ tiêu trong ngành nông nghiệp.
Với đặc thù là một huyện thuần nông nên công tác khuyến nông và giống cây trồng rất được Đông Hòa quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương phối hợp với các trại giống cuả tỉnh cung cấp cho nông dân những loại giống lúa có chất lượng cao để sản xuất. Vận động nông dân tiếp tục thực hiện phương thức gieo sạ hàng, sạ thưa hợp lý, giảm được chi phí về giống, phân bón và sâu bệnh. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện hơn 55.897,84 tấn, đạt 102,70% so với kế hoạch; diện tích gieo trồng cây lúa cả năm là 9.145,81 ha, đạt năng suất bình quân là 60,39 tạ/ha, sản lượng hơn 55.232 tấn, vượt 2,36% kế hoạch, tăng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói vụ đông xuân 2006 – 2007 là vụ lúa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay ở huyện Đông Hoà.
Tốc độ phát triển của phong trào xây dựng mô hình cánh đồng có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm và hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm ở Đông Hòa tuy còn chậm nhưng đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Tiêu biểu là các mô hình Dưa vụ 3 – lúa vụ 8 trên 3ha ở xã Hoà Tân Đông cho thu nhập bình quân 63,8 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận so với doanh thu là 43,57%; mô hình cánh đồng lúa – bông vải với 40ha ở xã Hoà Xuân Tây bước đầu đã cho thu nhập bình quân hơn 39,2 triệu đồng, lợi nhuận so với doanh thu là 61,46%, tuy chưa đạt 50 triệu đồng/ha/năm nhưng có ý nghĩa rất lớn, giúp cho bà con nông dân trong vùng phá thế độc canh cây lúa, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi ở nông hộ, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho xã hội... Số hộ nông dân có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm ngày càng tăng lên. Nổi bật là hộ ông Nguyễn Khánh ở xã Hoà Thành, với mô hình lúa – dưa kết hợp nuôi bò đã cho thu nhập hàng năm hơn 69 triệu đồng, lợi nhuận so với doanh thu là 72,44%. Toàn huyện có 12 hộ gia đình tham gia mô hình chăn nuôi heo siêu nạc hướng công nghiệp cho thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ năm. Mô hình nuôi chim cút ở 2 xã Hoà Hiệp Bắc và Hoà Hiệp Trung cũng đang được các hộ nông dân hưởng ứng, bước đầu cho thu nhập từ 50.000 – 200.000đồng/ngày đêm.
Trong năm, bà con nông dân các xã ven biển đã thả nuôi được 568ha thuỷ sản. Tuy chỉ đạt 54,09% kế hoạch nhưng sản lượng đạt 1.894,82 tấn, đạt 110,81% kế hoạch. Đặc biệt, nghề nuôi cá mú phát triển mạnh, với 328 lồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2006. UBND huyện cũng đã phối hợp với Sở Thuỷ sản thực hiện dự án đa dạng hoá đối tượng nuôi cho vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, đã triển khai mô hình nuôi cua, kết hợp nuôi tôm sú và nuôi cá rô phi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra bà con ngư dân còn đánh bắt được hơn 6.000 tấn hải sản các loại, đạt 100,81% kế hoạch, trong đó xuất khẩu hơn 1.400 tấn hải sản các loại.
Trong thời gian đến, Đông Hòa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, lương thực, thực phẩm, phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt 53.742 tấn. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển đổi một số diện tích vùng hạ lưu sông Bàn Thạch có điều kiện sang sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm và trồng cói, nuôi tôm công nghiệp theo hướng kết hợp sinh thái để cải tạo môi trường, gắn sản xuất với chế biến tạo ra nhiều hàng hoá có giá trị kinh tế. Nhân rộng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm với quy mô lớn hơn...
TẠ MINH