Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vẫn còn sản phẩm mất an toàn
Theo Sở NN-PTNT, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh được tăng cường nên ý thức chấp hành của đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, một số cơ sở còn vi phạm.
Theo ông Huỳnh Tấn Anh ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cơ sở hạ tầng tại một số cảng cá trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo. Sản phẩm hải sản khai thác khi đưa lên bờ phải dồn đống ngay cầu cảng, trong khi nước thải chưa được thu gom, xử lý làm ô nhiễm môi trường ở khu vực này…
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN-PTNT (Chi cục QLCL NLS-TS), cho biết: Trong năm 2017, chi cục đã lấy khoảng 130 mẫu nông, thủy sản thực phẩm để đưa đi kiểm tra một số chỉ tiêu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, vi sinh gây bệnh... nhằm đánh giá mức độ an toàn thực phẩm.
Kết quả, có 9 mẫu thịt tươi các loại (thịt bò, gà, heo) bị nhiễm Salmonella; 2 mẫu sản phẩm nguồn gốc thực vật (măng, dưa muối, trà, cà phê) nhiễm hóa chất vàng O (Auramine); 1 mẫu rau củ quả nhiễm Cypermerthrins với hàm lượng 27,04 μ/kg; 3 mẫu thủy sản chế biến bị nhiễm hóa chất độc hại; 3 mẫu nước đá bị nhiễm vi sinh vật E.Coli.
Theo Chi cục QLCL NLS-TS, năm 2017, đơn vị này đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra đột xuất 2 cơ sở chế biến mỡ động vật (heo, bò) tại thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Các cơ sở đã hoạt động sản xuất mỡ động vật nhưng chưa có các thủ tục, giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) như giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, khu vực chế biến không đảm bảo các điều kiện.
Đoàn công tác đã xử phạt 2 cơ sở này với số tiền 13 triệu đồng. Đến nay, 2 cơ sở trên đã được chi cục hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cũng như khắc phục các vi phạm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Chi cục QLCL NLS-TS đã phối hợp với các đơn vị chức năng ở huyện Tuy An và TX Sông Cầu đi khảo sát, thu thập thông tin tình hình thu mua, chế biến ruốc.
Qua kiểm tra đột xuất, phát hiện một hộ dân ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) có hành vi dùng phẩm màu để nhuộm ruốc. Chi cục QLCL NLS-TS đã lấy mẫu ruốc khô đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Kết quả, bột phẩm màu có chất Erythrosin, với hàm lượng 3,24mg/kg. Ông Đặng Phúc cho biết: Qua đối chiếu với các quy định thì Erythrosin là một loại phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản phẩm thịt cho nên không xử lý vi phạm.
Cần tăng cường công tác quản lý
Theo Chi cục QLCL NLS-TS, năm 2017, đơn vị đã xác nhận ATTP cho 111 tổ chức, cá nhân với số lượng người được xác nhận là 628 người. Trong 178 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông thủy sản thực phẩm có 9 cơ sở xếp loại A, 142 cơ sở xếp loại B, 27 cơ sở đã làm việc và ghi nhận thực trạng tại các cơ sở này. Năm 2017, Chi cục QLCL NLS-TS đã cấp 78 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, đồng thời thu hồi 7 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Ông Đặng Phúc cho biết: Thông qua các đợt kiểm tra, chi cục đã vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP, SSOP, ISO nhằm kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm thực phẩm. Năm 2017, chi cục đã xác nhận 4 chuỗi sản phẩm nông, thủy sản an toàn, như vậy đến nay ở Phú Yên đã có 6 chuỗi sản phẩm nông, thủy sản an toàn.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: Sản phẩm tôm thẻ chân trắng của doanh nghiệp đã được chứng nhận là chuỗi sản phẩm nông, thủy sản an toàn. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng sản xuất theo quy trình công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Global GAP, công ty sẽ tiếp tục “phục vụ” tốt người tiêu dùng. Nghĩa là, từ sản xuất đến bàn ăn, sản phẩm thủy sản nuôi của công ty đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đang được triển khai và sẽ mang lại sự yên tâm hơn về sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện ở Phú Yên chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản phẩm an toàn, việc kết nối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng còn khó khăn. Sở NN-PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản.
ANH NGỌC