Thứ Tư, 20/11/2024 08:15 SA
Vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ lợi ích cục bộ
Thứ Hai, 15/01/2018 18:32 CH

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng nay, 15/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công thương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của ngành, Thủ tướng yêu cầu cán bộ các cấp, các ngành cũng như Bộ Công thương phải tiếp tục vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình.

 

Nhắc lại câu đã nói với Bộ Công thương tại Hội nghị tổng kết năm ngoái là “có vấp mà chưa ngã”, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ Công thương đã quyết liệt vượt qua thách thức và hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2017. Uy tín của ngành Công thương được nâng lên, đóng góp nhiều mặt vào sự phát triển của đất nước.

 

Đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Công thương, Thủ tướng dẫn câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn khi bàn về thịnh suy của một quốc gia: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng”. 

 

“Có thể nói, đây là trách nhiệm, vừa là vinh dự, danh dự của ngành Công Thương trước vận mệnh phát triển quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong năm qua, có nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Công thương như vấn đề biển Đông, không đạt được Hiệp định TPP-12, nhiều khuyết điểm, bất cập trong nhiều dự án trước đây. 

 

Trong bối cảnh đó, ngành Công thương đoàn kết, quyết tâm vượt lên khó khăn, với nhiều chỉ tiêu quan trọng. Công nghiệp là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng tưởng 6,81%, trong đó, điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4%, cao nhất 7 năm qua. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp của ngành đạt kết quả tích cực.

 

Thương mại làm tốt nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỉ USD, với mức tăng trưởng trên 21%. Có gần 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Theo Thủ tướng, đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Công thương năm 2017 và “ước gì chúng ta có 50 mặt hàng như thế” vì chúng ta còn có nhiều tiềm năng.

 

“Ngành Công Thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói và cho biết, ngay sáng nay, Thủ tướng đã ký nghị định để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công thương quản lý.

 

Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ Công thương năm ngoái rằng bộ “phải tái cơ cấu cả bộ máy của mình trước đã”, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về cấu trúc lại bộ máy với thái độ “dũng cảm, không sợ va chạm”.

 

Năm 2017, bộ thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc bộ; cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng. Bộ đã tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ cũng như thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn khỏi Sabeco, được đánh giá một hình mẫu cho cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian tới. 

 

“Phải học từ Sabeco, mọi doanh nghiệp Nhà nước, cả ngành Công thương sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, đã trực tiếp chỉ đạo 2 thương vụ là Vinamilk và Sabeco để chống lại hiện tượng tiêu cực mà xã hội hay nói.

 

Biểu dương thành tích mà ngành Công thương đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như một số chiến lược, quy hoạch trong ngành Công thương còn chậm bổ sung, sửa đổi để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với bối cảnh đất nước. Tính chủ động trong nghiên cứu, triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế.

 

Vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được. Công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro. Một số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Thủ tướng đặt ra hàng loạt yêu cầu với ngành công thương

 

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 cũng như các năm tới, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp.

 

Làm sao ngành Công thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Làm sao ngành Công thương thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa. 

 

Một câu hỏi nữa đặt đặt ra là có biện pháp nào để tìm ra một giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch. Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn, làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam…

 

Thủ tướng nhấn mạnh cần hành động để hiện thực hóa những yêu cầu trên. Bộ Công thương chỉ đạo điều hành thực hiện cao hơn các chỉ tiêu được giao năm 2018 được ghi trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Thủ tướng chỉ rõ, sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh là bộ trưởng, các tư lệnh là chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp…

 

Cho rằng thành công năm 2017 có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần này trong năm 2018 và “Bộ Công thương là người hành động đầu tiên ở mọi cấp độ từ lãnh đạo bộ, cấp cục, vụ, đến các tập đoàn, tổng công ty”.

 

“Chính phủ đã đưa ra phương châm “10 chữ” cho năm 2018 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả). Vậy phương châm hành động của ngành Công thương là gì để có thể thúc đẩy cái này? Phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”, Thủ tướng nói.

 

“Chúng ta có chuyện này, chuyện khác trong năm vừa rồi hay năm trước để lại nhưng không vì thế mà chúng ta nhụt chí, không hành động. Mình không hành động thì không có kết quả và lưu ý hành động phải chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng cơ chế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

 

Phải vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ

 

Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn. Kể cả cán bộ các cấp, các ngành cũng như ngay Bộ Công thương, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, thậm chí biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công thương, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Phải cụ thể hóa về thể chế, chính sách. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất. Thủ tướng đề nghị ngành Công thương cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam giai đoạn tới.

 

Yêu cầu tập trung phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng lưu ý “đừng để thua trên sân nhà”. “Nhân đây, tôi cũng nói về hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều đại biểu Quốc hội nói với tôi thế này, ông phải nâng cao tâm thế, uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường chứ không phải chỉ đơn giản yêu cầu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Hoan nghênh ý tưởng của Bộ Công thương sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước để lắng nghe doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Phải đẩy mạnh đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước, “đừng để giả dối chiến thắng chân chính”.

 

“Tôi đề nghị các đồng chí một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động sống động, quyết liệt sẽ đặt ra cho ngành Công Thương để hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu năm 2018, đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập phát triển đất nước”, Thủ tướng mong muốn. “Các đồng chí lớn mạnh thì Chính phủ, đất nước lớn mạnh”.

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek