Năm 2017, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vận động người dân chủ động gia nhập Hội để được trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng. Thành công lớn nhất của Hội trong năm là thành lập được 2 câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh, qua đó phát huy được vai trò của phụ nữ trong hoạt động Hội.
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2017, Hội đã kết nạp mới hơn 600 hội viên ở các huyện, thị xã trên toàn tỉnh; đồng thời thành lập 2 câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh tại TP Tuy Hòa, nâng tổng số hội viên của Hội lên 3.827 hội viên. Đây sẽ là nhân tố quan trọng để đưa những thông tin, kiến thức của Hội đến với đông đảo người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Thư ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, cho biết: Trước đây, tôi rất mơ hồ về quyền lợi của mình trong các hoạt động mua bán. Nhiều lúc mua hàng nhưng không hài lòng về chất lượng, dịch vụ, tôi cũng không biết làm sao. Khi gia nhập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được tìm hiểu về các luật cơ bản, tôi thấy tự tin hơn, có thể chủ động yêu cầu bên bán đáp ứng đòi hỏi của mình trước khi mua bán. Gia nhập Hội, tôi còn thường xuyên cập nhật được nhiều thông tin về các thủ đoạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận buôn bán khác để đề phòng. Tôi cũng chia sẻ cho con cháu và bạn bè, người thân về các “bí kíp” phân biệt hàng thật, giả cũng như chủ động bảo vệ quyền lợi của mình khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Huyền, thành viên của Câu lạc bộ Phụ nữ tiêu dùng thông minh TP Tuy Hòa, trước khi gia nhập câu lạc bộ, mỗi khi biết sự việc liên quan đến kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, chị chỉ làm ngơ vì sợ bị ảnh hưởng. “Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng, nếu ai cũng ngó lơ trước cái xấu thì nó vẫn tồn tại và sẽ có lúc ảnh hưởng đến gia đình mình. Do vậy, mỗi người tiêu dùng cần chủ động tố giác những cơ sở sản xuất, kinh doanh “bẩn”, những mánh khóe gian lận trong buôn bán để bảo vệ mình và mọi người”, chị Huyền nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh, các chị, các mẹ là những người thường xuyên phát sinh hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây cũng là những người dễ bị xâm hại về quyền lợi nhất. Do vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất thiết thực và cần thực hiện thường xuyên. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành lập thêm một số câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh ở các huyện, đồng thời triển khai nhiều buổi sinh hoạt, trao đổi chuyên đề về hàng hóa, tiêu dùng để phát huy tác dụng của các câu lạc bộ này.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho biết: Trong năm qua, một hoạt động của Hội được nhiều đơn vị, người dân đánh giá cao là việc tổ chức các gian hàng trưng bày nông sản Đà Lạt - Trung quốc, trưng bày hàng thật - hàng giả tại các hội chợ để người dân trực tiếp quan sát, so sánh và phân biệt được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Thêm vào đó, việc thành lập các câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh tại các địa phương cũng giúp chị em có nhiều cơ hội sinh hoạt, tìm hiểu và chia sẻ thông tin liên quan đến tiêu dùng. Trong thời gian tới, Hội phấn đấu thành lập thêm nhiều câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh để tạo ra những kênh thông tin đa chiều, giúp Hội nắm bắt, trao đổi thông tin và hỗ trợ người tiêu dùng một cách nhanh nhạy, kịp thời hơn.
KHÁNH QUỲNH