HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Tây (HTX Hòa Thành Tây) được chọn làm mô hình điểm xây dựng HTX kiểu mới ở huyện Đông Hòa. Hiện đề án Xây dựng mô hình HTX kiểu mới do HTX này triển khai đã được UBND huyện phê duyệt. Thời gian tới, HTX Hòa Thành Tây chú trọng mở rộng sản xuất kinh doanh để tăng doanh thu.
Thành viên HTX Hòa Thành Tây thu hoạch khổ qua bán cho thương lái - Ảnh: HẢI PHONG |
Ông Nguyễn Phước, Giám đốc HTX Hòa Thành Tây, cho biết: Chủ trương của Hội đồng quản trị HTX là duy trì tốt các dịch vụ truyền thống kết hợp mở rộng kinh doanh dịch vụ; phấn đấu năm 2020 đạt doanh thu 3 tỉ đồng/năm, tăng hơn 2 tỉ đồng/năm so với hiện nay. Đồng thời sáp nhập với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Đông để mở rộng quy mô hoạt động. Thế mạnh hiện nay của đơn vị là không có nợ tồn đọng và huy động được thành viên góp vốn, đưa HTX trở thành đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất ở địa phương với 1,1 tỉ đồng. Hiện HTX Hòa Thành Tây duy trì 9 dịch vụ, cho lợi nhuận hàng năm trên 800 triệu đồng.
Trong quản lý sản xuất, HTX tạo điều kiện để bà con nâng cao sản lượng, chuyển đổi cây trồng theo hướng đa dạng hóa, thay vì làm mô hình liên kết thu mua với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phước cho biết thêm: Liên kết với doanh nghiệp đòi hỏi phải sản xuất chuyên môn hóa cao theo hướng một loại cây, một phương thức canh tác. Trong khi đó, diện tích sản xuất của thành viên HTX không tập trung, địa chất lại không đồng nhất. Vì vậy, HTX chọn hướng đi là đa dạng cây trồng. Đối với cây lúa, từ thử nghiệm 2ha giống lúa cấp xác nhận, nay HTX mở rộng được 6ha giống nông hộ, tạo nguồn giống tốt cho bà con gieo trồng. Bên cạnh sản xuất những giống lúa chất lượng cao, thành viên HTX vẫn duy trì những giống lúa có sản lượng cao như ML213 để đáp ứng nhu cầu làm bánh tráng và bún của người dân. Đồng thời, HTX khuyến khích thành viên tìm tới giống lúa đặc biệt có giá trị kinh tế cao như lúa thảo dược (hay còn gọi là lúa tím). Hiện thành viên HTX sản xuất 0,5ha giống lúa này, cho thu nhập cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với lúa thông thường. HTX cũng chuyển đổi cây trồng, từ lúa sang trồng dưa hấu, khổ qua, dưa leo… trên diện tích 20ha. Cây màu cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn 5 lần trồng lúa. “Để hỗ trợ thành viên sản xuất, HTX làm tốt các dịch vụ phục vụ như khuyến nông, máy cày, máy gặt đập, tín dụng nội bộ, vật tư nông nghiệp. HTX duy trì mô hình câu lạc bộ khuyến nông làm nơi trao đổi thông tin sản xuất và hỗ trợ nhau trong tiêu thụ nông sản”, ông Phước nói.
Trong nỗ lực xây dựng HTX theo mô hình kiểu mới, HTX Hòa Thành Tây đang huy động vốn để xây dựng nhà máy gạch không nung (gạch tuynel). Nhà máy đi vào hoạt động vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vừa tạo doanh thu cao cho HTX. Theo ông Nguyễn Phương Quang, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đông Hòa, UBND huyện đã trích ngân sách 150 triệu đồng hỗ trợ để giúp HTX. Đồng thời, địa phương cùng với Liên minh HTX tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tổ chức tiếp xúc với các ngân hàng đóng trên địa bàn để HTX tiếp cận được vốn vay. Theo đề án của HTX, nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 4,6ha, tổng kinh phí 2,5 tỉ đồng, công suất 12.000 viên/ngày, doanh thu hơn 400 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, nhận xét: Trong 18 HTX đang hoạt động, địa phương chọn HTX Hòa Thành Tây làm mô hình điểm để nhân rộng, từ đây giúp thay đổi tư duy của người dân về mô hình HTX kiểu cũ. Hiện HTX Hòa Thành Tây có hoạt động ổn định về bộ máy cán bộ với 1 thạc sĩ kinh tế, 1 đại học. HTX cũng có nguồn vốn lớn, không có nợ đọng. UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện để HTX trở thành HTX kiểu mới trong thời gian tới. HTX hoạt động hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thành viên HTX.
HẢI PHONG