Thứ Tư, 20/11/2024 14:34 CH
Nhiều giải pháp tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 11/01/2018 11:00 SA

Nhờ có kiến thức điện dân dụng, một người dân ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa có thể sửa điện cho gia đình mình - Ảnh: MINH DUYÊN

Những năm qua, Phú Yên luôn nỗ lực tạo thêm cơ hội việc làm, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hướng đi đúng để từng bước xóa đói giảm nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.

 

Giải quyết việc làm

 

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, giúp đồng bào tiếp cận với phương pháp canh tác mới, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, người dân gắn bó với đất với rừng, lấy sản xuất nông nghiệp là việc làm chủ yếu. Ma Thin ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), cho biết: Nhà có hơn 1ha đất rẫy nhưng lâu nay tôi chẳng làm được vì không có tiền mua giống, làm đất trồng cây. Nhiều năm, đất bị bỏ hoang mà người thì bị đói. Nay được cho giống, hỗ trợ tiền cải tạo đất, tôi đã trồng mía, thu hoạch cũng được 50-70 triệu đồng/vụ.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong năm qua, 3 huyện miền núi và các huyện có xã, thôn miền núi được đầu tư gần 7 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đây, nhiều hộ nghèo và cận nghèo được tặng con giống phát triển chăn nuôi, được cho giống cây phục vụ trồng trọt… Còn theo ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh), đơn vị đã triển khai nhiều mô hình sản xuất ở vùng miền núi như cơ giới hóa cánh đồng mẫu lớn trên cây sắn, mía; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cây lúa lai, cây ăn quả… Đồng thời, 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân còn được hỗ trợ 324 triệu đồng để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, phát triển lúa giống xác nhận và F1.

 

Song song với tạo việc làm từ sản xuất nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn được chuyển đổi nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ xuất khẩu lao động. Năm qua, từ chính sách đào tạo nghề hỗ trợ việc làm, trên địa bàn huyện Đồng Xuân có 7 người được đi xuất khẩu lao động và 1.400 người có việc làm mới sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Còn Trường trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên đã mở 8 lớp nghề điện dân dụng, may công nghiệp và trồng nấm… cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Đào tạo, cùng với dạy nghề, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu công việc nên 75% học viên khi ra trường đều có việc làm ổn định.

 

Ra Lan Mít ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) vừa học xong lớp nghề điện dân dụng, chia sẻ: Nhờ có kiến thức tôi xin làm thợ điện tại một cửa hàng tư nhân, thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh, tôi nhận lắp đặt hệ thống điện gia đình, cũng có thêm từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Còn với Mí Huệ ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) từ khi được học nghề may, mí vừa may áo cho chồng con, vừa mở được tiệm may tại nhà. “Làm tại nhà, tôi vừa có thời gian dọn dẹp, vừa trông con lại có việc làm thêm tăng thu nhập. Khách hàng chỉ là bà con trong xóm, trong xã nên chủ yếu lấy công làm lãi, mỗi tháng thu được hơn 1 triệu đồng”, Mí Huệ nói.

 

Phát triển bền vững

 

Tại vùng miền núi, việc xây dựng các nhà máy chế biến sắn, mía, dăm gỗ gắn với quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh đã đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông lâm của bà con. Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn của tỉnh, các doanh nghiệp mía đường lớn ở Phú Yên mỗi năm giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động và tạo việc làm gián tiếp cho hàng vạn lao động nông thôn, miền núi. Điển hình như Công ty CP Mía đường Tuy Hòa tạo việc làm cho hơn 300 người. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam giải quyết việc làm cho hơn 600 người. Lao động tại các nhà máy này có thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Sang năm 2018, hai công ty này phấn đấu mỗi đơn vị giải quyết việc làm ổn định cho thêm từ 10-30 lao động.

 

Oi Khang ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước đây khi chưa có nhà máy sắn, mía, bà con trồng ra chẳng có chỗ bán nên thu nhập bấp bênh lắm. Nay có nhà máy rồi, tôi chỉ việc đăng ký diện tích sản xuất trở thành vùng nguyên liệu của nhà máy là không lo khâu tiêu thụ nữa, cuộc sống ổn định hẳn.

 

Thời gian tới, các huyện miền núi tiếp tục được đầu tư xây dựng các nhà máy như nhà máy gạch tuynel, nhà máy chế biến dăm gỗ… Theo ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, năm 2017, trên địa bàn huyện, UBND tỉnh đã cho phép xây dựng Nhà máy gạch tuynel Sơn Hòa và Nhà máy chế biến dăm gỗ Vân Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 55 tỉ đồng. Năm 2018, hai nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

 

Theo UBND tỉnh, tạo sinh kế cho vùng miền núi từ phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi nghề qua đào tạo, hướng nghiệp đã giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Trong năm qua, vùng này có tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 45%, trong đó đào tạo nghề 25%; hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 lao động. Từ đây, vùng miền núi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, GDP bình quân đầu người khu vực miền núi từ 18-26 triệu đồng/người và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là từ 12-14 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek