Hợp đồng thu tiền điện thoại cho Bưu điện là một dịch vụ mới có cách đây vài ba năm. Trước đây, khách hàng phải đến bưu cục đóng tiền hoặc do công nhân thuộc biên chế trong ngành bưu điện làm. Nhưng do biên chế hạn hẹp nên ngành bưu điện đã ký hợp đồng vụ việc và bạn tôi, Lê Tấn Ngọc (Hòa Vinh, Đông Hòa) là một trong những người may mắn được ký hợp đồng.
Người mới vào “nghề” cũng như quen “nghề” chỉ phải làm trong khoảng 10 ngày giữa tháng. Công việc của họ là mang tập hoá đơn đến từng nhà có thuê bao để thu tiền. Với mỗi phiếu thu nộp về cơ quan, nhân viên thu tiền điện thoại được hưởng 1.500 đồng.
Sau khi đến từng nhà thu tiền, người làm dịch vụ thu tiền điện thoại phải làm rất nhiều công việc khác
Công việc ấy thoạt trông thì thật nhàn, nhưng với số lượng 300 – 500 phiếu cho mỗi người phải hoàn thành trong khoảng 7 – 10 ngày. Người đi thu phải tổng hợp, xếp phiếu, dập ghim… với nội dung phù hợp với bảng kê chi tiết. Công việc này cũng mất từ 1 –2 ngày. Thời gian đi thu thường là buổi chiều, buổi tối và ngày nghỉ, vì khoảng thời gian đó khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại mới có nhà để đóng tiền. “Sau khi thu về còn phải soạn và kiểm tra, cộng lại số tiền đã thu được thường phải đến nửa đêm mới hoàn tất” – Anh Ngọc bộc bạch.
Tuy nhiên, theo lời của những người làm dịch vụ này, công việc đi thu tiền mới là công việc đáng phải nói nhất trong “nghề” này. Đa phần mọi người đều đóng tiền đầy đủ, nhưng cũng lắm lúc gặp phải những trường hợp “chây ỳ” không chịu đóng ngay, hẹn đi hẹn lại nhiều lần. Theo quy định là sau 7 ngày từ ngày nhận được kê chi tiết, khách hàng phải có trách nhiệm đóng tiền.
Nhưng sau khi hẹn 4 – 5 lần hết 7 ngày mà vẫn có khách hàng thắc mắc “tại sao tôi không gọi vào số máy này , hoá đơn lại có?” hoặc “sao tôi không gọi mà có nhiều cước thế?”…và họ đòi “lên bưu cục để yêu cầu giải thích” trước khi đóng tiền cước” – anh Ngọc cho biết. Thỉnh thoảng có khách hàng nhận biên kê chi tiết rồi lại đem thẳng đến bưu cục nộp tiền làm cho người đi thu mất công và cũng không đạt đủ số lượng đầu phiếu.
Đó là chưa kể nỗi khổ gặp khách hàng đóng đầy đủ tiền theo hoá đơn nhưng bằng… tiền giả. “Nếu cẩn thận có thể phát hiện ra” – anh Ngọc nói – “Còn không thì coi như thu tiền không công trong vài ngày”. Đưa cho tôi xem một số tờ tiền loại 50.000 đồng và 20.000 đồng đã cắt góc, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa ở huyện Tây Hoà tâm sự: “Bất cứ ai cũng bó tay thôi. Đi thu vào buổi tối, đèn đuốc lờ mờ, khi khách hàng đưa tiền chỉ xem qua và nếu không thấy gì khác lạ thì phải trả phiếu ngay để còn đi nhà khác cho kịp. Chủ yếu là phát hiện qua thái độ của người đóng tiền và cảm giác khi nhận tiền thôi. Mình phải giữ mấy tờ tiền này để làm mẫu vì sợ đi thu không công cả tháng mất…”
Có làm thực tế mới thấy hết làm “nghề” thu tiền điện thoại cũng vất vả chứ không đơn giản như mọi người thường nghĩ.
NGUYỄN QUANG