Thứ Năm, 28/11/2024 13:51 CH
Vùng nuôi trồng thủy sản Đà Nông:
Các giải pháp khôi phục và phát triển bền vững
Thứ Năm, 02/03/2006 14:44 CH

Ngư dân xã Hòa Hiệp Nam chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cua - Ảnh: N.Lưu

Hạ lưu sông Đà Nông (huyện Đông Hòa) vốn là khu vực phát triển nhanh, mạnh về nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, môi trường ở đây bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh tôm tràn lan, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Làm thế nào để khôi phục và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Đà Nông? Dưới đây là một số ý kiến của lãnh đạo địa phương và người nuôi tôm.

 

* Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa NGUYỄN VĂN THÀNH: “Quy hoạch xây dựng vùng nuôi trồng thành 3 vùng sinh thái bền vững”.

 

Căn cứ đặc điểm tự nhiên và khả năng thích ứng các loài nuôi, có thể quy hoạch các vùng nuôi theo hướng ổn định, bền vững như sau:

 

- Vùng luân canh: 1 vụ lúa + cói và tôm, với quy mô diện tích từ 100 – 150ha, nằm cuối vùng tôm, có độ mặn thấp, nguồn nước ngọt dồi dào, bao gồm các xứ đồng: Thọ Lâm, Quao, Quánh (xã Hòa Hiệp Nam); Hà Cua, Gò Trại (Hòa Xuân Đông); Gò Chày (vùng xâm canh của bà con xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung). Về biện pháp sản xuất: giữ nguyên hiện trạng, đầu tư xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt ở các vị trí đầu mối, hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng.

 

- Vùng nuôi cá và thủy đặc sản nước lợ, với quy mô từ 150 – 200ha, gồm các xứ đồng: Sát Cháy, Đồng Đình, Mốc, Bướm, Ba Gánh (xã Hòa Tâm); Gò Tây, Hà Tân dưới (Hòa Xuân Đông); Đồng Cương, Đồng Chùa (Hòa Hiệp Nam). Đây là vùng giao thoa giữa nguồn nước ngọt và nước thải của vùng nuôi tôm khi thủy triều dâng, nên môi trường giàu dinh dưỡng, tích tụ nhiều chất hữu cơ. Do vậy, vùng này nuôi tôm sú kém hiệu quả, nhưng lại phù hợp cho nuôi cá rô phi đơn tính, cá chẽm, đối mục, cá măng.

 

- Vùng chuyên canh tôm, với diện tích 700 – 800ha, trước mắt vẫn xác định tôm sú là đối tượng nuôi chính. Tuy nhiên ở mỗi ao nuôi dành 10 – 15% diện tích để chắn khung lưới nuôi ghép cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng, rong biển hoặc vẹm xanh, nhằm cải tạo, giảm thiểu dần ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ở khu vực gần cửa sông cần nuôi xen thêm cá mú, giò, hồng lạc, cua xanh, ghẹ xanh để chia nhỏ diện tích nuôi tôm, hạn chế được dịch bệnh có thể bộc phát.

 

* Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam LƯƠNG VĂN KHẠNG: “ CẦN THỰC HIỆN MÔ HÌNH NUÔI 1 VỤ LÚA + 1 VỤ TÔM”

 

Trong 3 năm qua, để “cứu” các đồng tôm Thọ Lâm, Đồng Quao, Đồng Quánh bị dịch bệnh thiệt hại nặng, UBND xã Hòa Hiệp Nam đã chủ động vận động bà con chuyển đổi sản xuất 1 vụ lúa và 1 vụ tôm trên cùng một diện tích. Bước đầu mô hình này khá phù hợp với môi trường sinh thái. Kết quả đạt được rất phấn khởi, năng suất lúa đạt bình quân 50 tạ/ha, và 1 vụ tôm thu lãi từ 10 – 12 triệu đồng/ha. Hiện nay, ở các cánh đồng này đang sản xuất được 45ha lúa phát triển rất tốt, sau khi thu hoạch lúa, bà con sẽ đầu tư cải tạo đồng ruộng, bờ ao để thả tôm nuôi vào khoảng rằm tháng 4 âm lịch.

 

Tuy nhiên, sản xuất 1 vụ lúa + 1 vụ tôm cũng đang gặp khó khăn về nguồn nước theo từng mùa vụ nuôi trồng khác nhau. Do vậy tỉnh, huyện cần quan tâm khảo sát, đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, xây dựng các hệ thống kênh nhằm chủ động phục vụ đủ nước ngọt cho 1 vụ sản xuất lúa, sau đó cung ứng đủ nước mặn sạch cho nuôi 1 vụ tôm sú.

 

* Bí thư xã Hòa Tâm ĐẶNG HAY: “CHỈ SẢN XUẤT 1 VỤ TÔM VỚI MẬT ĐỘ THƯA VÀ ĐÚNG LỊCH THỜI VỤ”

 

Thời gian qua diện tích nuôi tôm ở Đà Nông tăng quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nghề nuôi quá hạn chế, môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Người dân không có ý thức trong bảo vệ môi trường, chưa thả tôm đồng loạt, lại thả tôm nhiễm bệnh, quá dày với mật độ 60 – 70 con/m2, thậm chí 80 – 90 con/m2! Điều này dẫn đến áp lực quá tải, thiếu bền vững trong một môi trường chỉ đáp ứng nuôi tôm theo phương thức quảng canh và bán thâm canh.

 

Theo tôi, cần sớm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, hình thức nuôi xen canh, luân canh. Đặc biệt, mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ tôm với mật độ thưa và đúng lịch thời vụ. Các ngành chức năng vận động bà con cùng cộng đồng trong quản lý môi trường, không tự ý xả thải bừa bãi ra sông; chỉ thả tôm nuôi tối đa 15 con/m2, nhằm giảm chi phí đầu tư, chủ động xử lý được dịch bệnh, tạo môi trường tốt cho tôm phát triển nhanh và đạt hiệu quả kinh tế.

 

* Ông ĐẶNG TIẾN người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm: “CẦN CHỦ ĐỘNG NGUỒN NƯỚC SẠCH, GIỐNG TỐT VÀ CHĂM SÓC KỸ CON TÔM NUÔI”

 

Trong vụ tôm năm 2005, mặc dù dịch bệnh tôm tràn lan gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ nuôi, nhưng gia đình tôi thả tôm nuôi trên diện tích 1,4 mẫu, thu lãi trên 100 triệu đồng. Để đạt được kết quả này, tôi đã lựa chọn mua nguồn giống đạt chất lượng từ các trại giống có uy tín trong tỉnh và ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). Lâu nay, khi hồ tôm bị bệnh thì mỗi người nuôi không tự dập dịch lại xả nguồn nước ra ngoài gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh cho các hồ tôm trong vùng. Do vậy, tôi chủ động nguồn nước sạch, không ô nhiễm bằng cách đào giếng ngay tại hồ để bơm nước vào ao. Ngoài nguồn giống, nước sạch, yếu tố quan trọng là cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc tôm. Tôi luôn theo dõi khả năng phát triển của con tôm theo từng giai đoạn, qua đó điều chỉnh chế độ thức ăn, nồng độ pH, xi phong đáy, phát hiện và xử lý kịp thời mầm bệnh...

 

Trong vụ nuôi năm 2006 này, tôi rút kinh nghiệm vận động bà con khắc phục môi trường, đưa chất thải đáy ao lên bờ để cải tạo dần vùng an toàn bệnh tôm, cộng đồng bảo vệ môi trường nước, cùng nhau xử lý bệnh tôm, cải tiến phương pháp nuôi phù hợp vừa hạn chế dịch bệnh, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế.

 

NGUYÊN LƯU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek