Chuyển từ trồng gỗ tạp có thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn sang trồng gỗ lâu năm bằng kỹ thuật tỉa thưa đã giúp người trồng rừng kinh tế thích ứng được trước những biến đổi về giá trên thị trường và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người thực hiện mô hình này là hộ anh Trần Văn Điện ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Anh Điện sở hữu hơn 100ha keo lai, từ trước tới nay anh chủ yếu trồng cây chu kỳ 5 năm để bán gỗ nguyên liệu làm bột giấy cho nhà máy. Anh Điện cho biết: Cây keo lai đang được giá và có đầu ra nên ngày càng nhiều hộ trồng rừng chọn cây này. Diện tích trồng keo tăng nhưng số lượng nhà máy và công suất vận hành không tăng. Trong khi đó, thời gian trồng 5 năm khá dài và mất nhiều công đầu tư nên nếu sau đó giá thấp vì bão hòa nguồn cung thì người dân khó xoay sở và rơi vào tình thế giá nào cũng phải bán để lấy lại vốn.
Do vậy, từ mô hình trồng keo thông thường, anh Điện dùng biện pháp tỉa thưa để chuyển đổi sang cây keo lâu năm. Cũng theo anh Điện, mật độ cây trồng quyết định phần lớn đến hiệu quả rừng trồng, do mật độ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng quang hợp và hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất. Khi trồng 5 năm, hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 2m để 5 năm sau cây lớn lên đạt khả năng phân tán lá và độ che phủ. Muốn cây tiếp tục phát triển buộc người trồng phải tỉa bớt cây. Tỉa như thế nào là căn cứ vào tình hình thực tế cây phát triển. “Trên mỗi hécta, tôi sẽ giữ lại những cây phát triển vượt trội (vì những cây này đã ăn sâu vào đất đủ khả năng phát triển thêm), tỉa những cây còi cọc; sao cho cây tỉa lần một (4-6 năm) từ 2.500 cây xuống còn 1.500 cây, tỉa lần hai (8-12 năm) còn 700-800 cây. Khi đó mỗi héc ta sẽ cho từ 300-350m3 gỗ tinh”, anh Điện nói.
Về hiệu quả kinh tế của trồng cây gỗ lâu năm, anh Điện khẳng định: Trồng gỗ lâu năm cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng gỗ nhỏ thông thường. Cụ thể, hiện giá gỗ keo xẻ có đường kính 35cm là 4 triệu đồng/m3 và 1,8-2 triệu đồng/tấn gỗ. Cây keo bình quân trồng 5 năm sau thu hoạch trừ chi phí lãi từ 50-80 triệu đồng/ha. Còn cây gỗ lớn trồng từ 8-12 năm cho lãi trên 500 triệu đồng/ha tùy vào độ phì nhiêu của đất. Nhiều người ngại trồng cây lâu năm do thu hồi vốn chậm, không có tiền đầu tư nhưng với mô hình này, quá trình chuyển đổi giúp người dân có đủ kinh phí duy trì. Vì mỗi lần tỉa, người dân có thể tận thu bán gỗ tạp.
Đối với các đơn vị sản xuất gỗ mỹ nghệ, nhu cầu về gỗ lâu năm là rất lớn, nhưng ở Phú Yên, nguồn cung hạn chế nên họ phải tìm tới các tỉnh lân cận. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), cho biết: HTX làm sản phẩm bàn, ghế, tủ, giường mỹ nghệ để xuất khẩu sang châu Âu. Mỗi năm, HTX cần từ 450-570 khối gỗ, chủ yếu là gỗ lâu năm. Ở Phú Yên chủ yếu trồng gỗ nguyên liệu bán cho các nhà máy giấy nên HTX vẫn phải mua gỗ từ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định, Gia Lai…
Theo HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, để phù hợp với sự biến động của thị trường, bà con nên đa dạng mô hình rừng trồng, trong đó có hướng tới trồng gỗ lâu năm để cho hiệu quả kinh tế cao. Hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật cũng như chứng chỉ rừng quốc tế, HTX đang mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan thuộc dự án VE6566. Đây chính là cơ hội để bà con có thể mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ ra nước ngoài.
HẢI PHONG