Các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh ra đời trên nhu cầu thực tế của người dân nên đang phát huy hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Đây chính là nền tảng để ra đời các HTX mới thay thế các HTX hoạt động không phù hợp.
Hiệu quả thấy rõ
Ông Phạm Củ, thành viên THT trang trại Sơn Ngọc ở thôn Phước Lâm, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: Bà con trong thôn đều trồng cây ăn trái, làm ruộng, trồng rừng, chăn nuôi… Nhu cầu của chúng tôi là “có bạn có phường” để cùng nhau trao đổi chuyện chăm sóc cây trồng hay chia sẻ mối hàng tiêu thụ. Khi chưa vô THT thì nhà ai biết nhà đó, nay tham gia rồi mỗi kỳ sinh hoạt lại được học hỏi thêm kiến thức sản xuất nên thấy phấn khởi hơn.
Tổng số thành viên hiện có của THT trang trại Sơn Ngọc là 40 người. Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng THT trang trại Sơn Ngọc, cho biết: Hiện THT quản lý 400ha đất sản xuất của bà con. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cách phòng trừ sâu bệnh mà thành viên trong tổ còn đồng thuận làm đường giao thông, xây dựng hệ thống thủy lợi. Năm 2016, THT trang trại Sơn Ngọc đã đăng ký hoạt động theo Nghị định 151 của Thủ tướng Chính phủ; nhờ đó hoạt động của THT rất thuận lợi, được hưởng những chính sách hỗ trợ về sản xuất, giao dịch thương mại...
Nhiều hộ sản xuất nhỏ muốn vươn lên sản xuất lớn đã cùng nhau hùn vốn thành lập THT để mở rộng quy mô, cải thiện trang thiết bị nâng cao kỹ thuật sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, Tổ trưởng THT chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An), làng nghề chiếu cói Phú Tân trước gồm các hộ sản xuất đơn lẻ. Theo thời gian, nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, đòi hỏi chi phí cao đã khiến nhiều hộ không bám trụ được với nghề. Riêng gia đình tôi và một số gia đình khác chọn cách hợp tác với nhau cho ra đời THT chiếu cói Phú Tân. THT ban đầu do 4 hộ góp vốn gần 1 tỉ đồng sắm 3 máy may biên, 8 máy dệt và nâng cấp hệ thống lò hấp, nhuộm màu. Từ đó nâng cao sản lượng sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng nên tiêu thụ được nhiều hơn, thu hút ngày càng nhiều thành viên vào tổ.
THT không chỉ đứng ra quản lý sản xuất mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của bà con thông qua xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Hai, Tổ trưởng THT bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), cho hay: Nhiều năm liền, sản phẩm bánh tráng Hòa Đa được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết tới nhưng vẫn chưa có thương hiệu nên chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ. Khi THT ra đời, tập hợp các hộ dân cùng sản xuất thì tổ đã được Liên minh HTX tỉnh và Sở Công thương tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu. Hiện sản phẩm bánh tráng của THT cũng đang được hai đơn vị này hỗ trợ xây dựng mã vạch hàng hóa giúp đưa sản phẩm vào siêu thị và hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp… Mỗi ngày, tổ tiêu thụ từ 2-3 tấn bánh tráng các loại.
Lực lượng củng cố HTX
Hoạt động của các THT gọn nhẹ và linh hoạt nên nhiều địa phương trong quá trình kiện toàn lại thành phần kinh tế tập thể đã chọn hình thức THT để khởi đầu. Theo UBND huyện Sông Hinh, thay vì đầu tư để vực dậy các HTX hoạt động không hiệu quả, địa phương đã chọn thành lập mới các THT để quản lý sản xuất thay thế các HTX cũ. Hiện huyện Sông Hinh có 3 THT thủy nông gồm THT thủy nông Tân Lập ở xã Ea Ly, THT thủy nông Sơn Giang ở xã Sơn Giang và THT thủy nông Bình Quang ở xã Đức Bình Tây. Mỗi tổ có quy mô từ 5-8 thành viên. Hoạt động chủ yếu của các tổ này là quản lý trạm bơm, điều tiết nước tưới phục vụ nước sản xuất cho các hộ dân. Các tổ có kinh phí hoạt động lấy từ nguồn miễn giảm thủy lợi phí được Nhà nước cấp hàng năm. Các THT này hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm cho nhiều lao động, tạo thu nhập ổn định, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và giúp địa phương xây dựng nông thôn mới. Khi các THT này đủ lớn mạnh, địa phương sẽ đầu tư để phát triển thành HTX.
Hiện nay, tại các làng nghề, khu sản xuất, chế biến đang tồn tại rất nhiều tổ, nhóm hoạt động, nếu được vận động thành lập thành THT thì đây sẽ là lực lượng lớn cho thành phần kinh tế tập thể. Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có hơn 3.000 tổ, nhóm nghề nghiệp hoạt động như tổ tàu thuyền, tổ hậu cần nghề cá, tổ bó chổi đót, tổ làm muối… Họ gồm từ 2-5 hộ gia đình tập hợp nhau lại để cùng hỗ trợ sản xuất, làm nghề. Tuy nhiên hoạt động theo thời vụ trên tinh thần tự nguyện sáp nhập và tự nguyện giải tán. Nếu được tổ chức tốt, tạo ra lợi nhuận cho kinh tế hộ thì các hộ này sẽ gắn bó lâu dài.
Thiệt thòi với những tổ, nhóm không đăng ký hoạt động theo Nghị định 151 của Thủ tướng Chính phủ là không được hưởng những chính sách hỗ trợ cũng như không đủ pháp nhân để tiến hành các hợp đồng giao dịch thương mại. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ vận động các tổ, nhóm này thành lập các THT. 60 THT đang hoạt động có đăng ký thì hiệu quả về tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hiện các THT này hoạt động với tổng vốn 10,5 tỉ đồng, trên các ngành nghề gồm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, hậu cần nghề cá, trang trại nông lâm kết hợp, chế biến gỗ, nghề thủ công, dịch vụ bơm tưới nước… Các THT này đã giải quyết việc làm cho gần 1.500 thành viên và lao động. Liên minh HTX tỉnh kỳ vọng, các THT dù đã đăng ký hay chưa đăng ký thì đây cũng sẽ là lực lượng tiền thân để ra đời các HTX mới.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN