Chủ Nhật, 27/10/2024 11:31 SA
Cải thiện điều kiện sống vùng nông thôn:
Hiệu quả từ việc thực hiện tiêu chí môi trường
Thứ Ba, 15/08/2017 10:46 SA

Mô hình thu gom rác thải ở HTX Hòa An Tây (huyện Phú Hòa) - Ảnh: MINH DUYÊN

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, quá trình thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng như cải thiện điều kiện sản xuất ở các làng nghề truyền thống.

 

Môi trường nông thôn được cải thiện

 

Về làng nghề bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An), ở các lò sản xuất, máy tráng bánh đang thay thế dần cho những lò đất cũ. Ông Nguyễn Hai, tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Hòa Đa, cho biết: Làng có 375 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho hơn 950 lao động tại chỗ. Mỗi ngày ở đây sản xuất từ 2-3 tấn bánh thành phẩm. Trước đây, số hộ tham gia sản xuất ít nên bánh được làm bằng lò thủ công ít ảnh hưởng tới môi trường. Theo thời gian, số lượng hộ dân làm nghề bánh tráng ngày càng nhiều, nước thải ra môi trường chưa qua xử lý, lượng bột từ bánh tráng ra ngoài ứ đọng lại ở các kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Để giải quyết tình trạng này, tổ hợp tác đã phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể khuyến khích các hộ dân sử dụng máy tráng bánh, để vừa giải phóng sức lao động, vừa bảo vệ môi trường. Theo đó, 375 hộ được tập huấn kỹ thật tráng bánh bằng máy. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 15 cái bẩy và 20 mô tơ cho 25 hộ làm bánh. UBND xã An Mỹ hỗ trợ 25 triệu đồng cho 1 hộ mua máy tráng bánh…. Sau 1 năm, trong làng đã có 14 lò làm bánh tráng bằng máy và môi trường sản xuất vẫn đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

 

Ngoài ra hiện nay ở khu vực nông thôn, những mô hình thí điểm về thu gom rác thải đã khuyến khích ngày càng nhiều đơn vị tham gia vào hoạt động này, giúp hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân. Ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT), cho biết: Thời gian qua, đơn vị xây dựng thành công 3 mô hình thu gom rác thải trên địa bàn các xã An Mỹ (huyện Tuy An), Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và Ea Bia (huyện Sông Hinh). Đơn vị cũng hỗ trợ cho các xã và HTX có dịch vụ thu gom rác thải các thùng đựng và xe thu gom rác. Hiện, toàn tỉnh có 14 bãi chôn lấp chất thải tập trung, mỗi huyện có từ 2-5 bãi rác trung chuyển; 66/88 xã, thị trấn và 13 hợp tác xã làm dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Đây chính là tiền đề để người dân hình thành thói quen không vứt rác bừa bãi và rác thải được chôn lấp, xử lý đúng quy trình.

 

Bà Nguyễn Thị Trang ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), chia sẻ: Trước đây, rác sinh hoạt của gia đình tôi thường dồn vào góc vườn, nhiều ngày sau mới đốt. Nhưng như vậy có lúc chó mèo tha rác lung tung, tha cả vào trong nhà rất mất vệ sinh. Rồi mô hình thu gom rác được triển khai ở xã, từ đó một tuần 2 lần, tôi chỉ việc mang rác ra cổng thì có người tới tận cửa thu gom; vừa tiện lợi vừa đảm bảo vệ sinh.

 

Đối với vùng miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập quán chăn nuôi thả rông đã gây ảnh hưởng tới môi trường sống; cùng với xây dựng nông thôn mới thì người dân ở các xã này được hỗ trợ để làm chuồng trại. Theo Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, bên cạnh hỗ trợ gia súc, giống cây và vật tư nông nghiệp thì đơn vị còn hỗ trợ làm chuồng trại; vừa để phòng bệnh cho gia súc vừa bảo vệ cảnh quan môi trường. Hiện, 80 hộ nghèo vùng miền núi đã được hỗ trợ làm chuồng trại cho trâu bò và heo.

 

Ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Mặc dù đường bê tông kiên cố nhưng do thói quen chăn nuôi thả rông khiến đường thôn xóm không còn sạch sẽ, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Nhưng hơn 3 năm qua, được sự hỗ trợ vốn từ các chương trình dành cho vùng miền núi nên các hộ nghèo không có điều kiện làm chuồng trại đã được hỗ trợ vốn. Đến nay trên địa bàn xã, 18 hộ nghèo được hỗ trợ 90 triệu đồng để làm chuồng trại kiên cố hợp vệ sinh, giúp xã hoàn thành chỉ tiêu trong thực hiện tiêu chí 17 về môi trường.

 

Tiếp tục nỗ lực

 

Trong 11 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017 có 2 xã chưa đạt tiêu chí môi trường là Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) và Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Theo UBND xã Đức Bình Đông, tiêu chí số 17 về môi trường, xã cơ bản đạt được 7/8 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu về tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch mới đạt hơn 67% (dưới 85% theo quy định). UBND xã đang tăng cường vận động nhân dân và tạo điều kiện để hộ gia đình được vay vốn đầu tư xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa theo quy định, phấn đấu đạt trong năm 2017.

 

Còn ông Võ Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, cho biết: Xã còn 2 chỉ tiêu về môi trường chưa đạt, đó là tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và tỉ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên địa bàn xã chưa có công trình cấp nước sạch nông thôn; chủ yếu người dân sử dụng nguồn nước từ các giếng đào, giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. UBND xã đang bố trí nguồn lực đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Phú Xuân B với chiều dài đường ống chính 12km, cấp cho 4 thôn gồm Phước Hòa, Phú Hội, Phú Xuân A, Phú Xuân B để phấn đấu đạt tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định là trên 95%. Đồng thời, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh mới chỉ trên 65%, chưa đạt chỉ tiêu. Thời gian tới, xã tích cực vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để đạt tiêu chí này.

 

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, từ năm 2012 đến nay, nhờ tích cực hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường nên hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Các điểm nóng về môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được giải quyết kịp thời. Nhiều xã đã tổ chức tốt các cuộc vận động nhân dân tự giác thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh, hoa tươi ven đường thôn, xóm tạo cảnh quan cho vùng nông thôn. Các xã đều có quy hoạch nghĩa trang, phục vụ cho việc chôn cất được tập trung để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 52/88 xã đã đạt tiêu chí môi trường, chiếm 59% trên tổng số xã, tăng 49 xã so với năm 2012.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek