Chủ Nhật, 27/10/2024 11:25 SA
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên:
Cần chú trọng đầu tư những sản phẩm chủ lực
Thứ Ba, 15/08/2017 08:11 SA

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa giống ở huyện Phú Hòa - Ảnh: ANH NGỌC

Qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Phú Yên, đến nay một số lĩnh vực đã thu được hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, việc triển khai đề án này ở tỉnh ta còn chậm, một số lĩnh vực phát triển chưa ổn định, thiếu bền vững. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án này.

 

Những kết quả bước đầu

 

Theo Sở NN-PTNT, đến nay nhiều nông dân đã chuyển đổi một số mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng giống mới đạt năng suất, chất lượng cao. Theo ông Phạm Ngọc Dân ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), lâu nay trồng lúa mỗi vụ thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/ha. Mấy năm gần đây, gia đình ông Dân xen canh cây bắp lai, mỗi vụ thu lãi khoảng 25 triệu đồng/ha. Ông Dân cho biết: Việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng một số loại cây khác đã mang lại hiệu quả cao gần gấp đôi. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều nông dân. Còn ông Nguyễn Văn Kim ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) thì cho biết: Gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng từ mấy năm nay. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nhiều vụ đạt năng suất rất cao, khoảng 70 tạ/ha. Khó khăn nhất hiện nay đối với các hộ sản xuất lúa giống là khâu phơi sấy lúa để đạt kỹ thuật sau thu hoạch. Trong khi đó, khâu tiêu thụ lúa giống cũng gặp khó khăn vì giá cao, người dân chưa có sự liên kết ổn định với các doanh nghiệp thu mua lúa giống…

 

Cũng theo Sở NN-PTNT, trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trồng rừng kinh tế, góp phần thu hút người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tham gia phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12 dự án trồng rừng kinh tế với tổng diện tích khoảng 42.000ha. Năm 2017, tỉnh đang triển khai mô hình trồng rừng kinh doanh cây gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng sản xuất sang kinh doanh cây gỗ lớn ở một số diện tích của các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh. Ở lĩnh vực thủy sản, nếu như năm 2010 Phú Yên có khoảng 4.600 tàu thuyền công suất nhỏ hơn 20CV thì đến nay chỉ còn khoảng 2.000 tàu thuyền; còn tàu thuyền công suất từ 400CV trở lên không nhiều thì nay có khoảng 390 tàu. Đội tàu có công suất lớn, hiện đại ở Phú Yên phát triển rất nhanh, các tàu này đều đa nghề khai thác trên biển với đầy đủ trang thiết bị. Còn nuôi trồng thủy sản, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân mỗi hécta ao nuôi gần 700 triệu đồng, tăng khoảng 12,5% so với năm 2014. Chăn nuôi ở Phú Yên những năm gần đây cũng có sự chuyển dịch tích cực. Kỹ thuật chăn nuôi đã được cải tiến, trong đó chăn nuôi bò chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh và bán thâm canh. Còn chăn nuôi heo, người dân đang tập trung chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại với phương thức nuôi công nghiệp. Đối với chăn nuôi gia cầm, nhiều hộ gia đình đầu tư theo phương thức nuôi tập trung quy mô lớn gắn với an toàn dịch bệnh.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 45 trang trại chăn nuôi đạt doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, trong đó có hơn 25 trang trại nuôi heo và 20 trang trại nuôi gà, vịt. Hiện nay, ở Phú Yên tỉ lệ đàn heo nái giống ngoại khoảng 90%, đàn heo thịt sử dụng giống lai, giống ngoại chiếm khoảng 92%, đàn bò lai khoảng 69,5%. Phú Yên đã xuất hiện nhiều chuỗi liên kết theo hướng doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường như chuỗi liên kết chăn nuôi heo của trại Vi Văn (huyện Đông Hòa), chuỗi liên kết chăn nuôi gà của trại Sơ Thứ (huyện Đông Hòa) hoặc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết với nhiều hộ chăn nuôi heo trong tỉnh…

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 4 quy hoạch gồm quy hoạch vùng trồng nguyên liệu mía, quy hoạch đầu tư trồng rừng, quy hoạch xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng và quy hoạch chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên. Sở NN-PTNT đang hoàn chỉnh quy hoạch về lĩnh vực thủy sản và quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

 

Cá ngừ đại dương là sản phẩm khai thác chủ lực của Phú Yên - Ảnh: ANH NGỌC

 

Vẫn còn nhiều khó khăn

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, việc xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế… Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc triển khai đề án này.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà, kết quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên thời gian qua chưa tạo sự chuyển biến rõ nét, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn thấp. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả, nhất là cây tiêu, cây sắn và thủy sản nuôi. Công tác quy hoạch một số lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, quy mô sản xuất nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, tỉ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. Vấn đề thu hút đầu tư và các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo Sở NN-PTNT sớm kiện toàn bộ máy, tập trung cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sở NN-PTNT cần chủ động xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao, tập trung đầu tư những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết đạt hiệu quả. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành và địa phương sớm rà soát, bổ sung hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản.

 

Thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

 

Tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp như hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, phát triển giống lúa, hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, chính sách liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Các chính sách này, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị sản xuất toàn ngành nông - lâm - thủy sản năm 2016 tăng 5,8% so với năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị thu được bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 66,4 triệu đồng (tăng 3,8 triệu đồng/ha so với năm 2015), bình quân trên 1ha nuôi trồng thủy sản đạt 697,2 triệu đồng (tăng 52,3 triệu đồng/ha so với năm 2015).

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

ANH NGỌC 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek