Chủ Nhật, 27/10/2024 13:25 CH
Tái sản xuất gạch thủ công ở huyện Đông Hòa: Cần kiên quyết xử lý
Thứ Hai, 14/08/2017 11:00 SA

Một lò gạch vẫn tồn tại gạch mộc ở huyện Đông Hòa - Ảnh: NGÔ XUÂN

Bất chấp chỉ thị về việc dừng hoạt động của các lò gạch thủ công, một số chủ cơ sở sản xuất loại gạch này ở huyện Đông Hòa lại tiếp tục hoạt động, làm những hộ nghiêm túc chấp hành quy định bất bình. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng các cơ sở này vẫn lén lút hoạt động. Trước tình hình này, huyện Đông Hòa đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

 

Tái sản xuất gạch thủ công

 

Theo UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, việc xóa bỏ lò gạch thủ công đã được địa phương hoàn thành từ năm 2016. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 09 và Thông báo 81 của UBND tỉnh, địa phương chỉ cưỡng chế phá bỏ vỏ lò nhưng không có chế tài xử lý các máy móc, phương tiện, công cụ sản xuất cũng như lều trại của các lò gạch này. Do vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 7 cơ sở hoạt động trở lại. Trong đó có 3 cơ sở sử dụng phần nguyên liệu đất sét còn tồn, số khác mua thêm đất sét mới để sản xuất. Để qua mặt các ngành chức năng, chủ các lò gạch thủ công vận chuyển đất sét, gạch ngói mộc vào sâu trong các thôn, xóm, các hẻm nhỏ để sản xuất, và chỉ đốt lò về đêm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý. Tinh vi hơn, một số cơ sở sử dụng lò dã chiến bằng cách sắp gạch, ngói mộc lên, đắp đất xung quanh để đốt. Đến khi đốt lò xong, họ phá bỏ lớp đất bên ngoài thì đã có một mẻ gạch. Và mỗi lần như vậy được khoảng 1 vạn viên.

 

Tình trạng các hộ tái sản xuất gạch, ngói thủ công khiến nhiều người dân bất bình. Ông B.H, một người dân ở khu phố Phú Hiệp 3, bức xúc bày tỏ: “Gia đình tôi cũng sản xuất gạch ngói thủ công nhưng đã nghỉ hơn 1 năm nay vì chủ trương chung của cả nước để bảo vệ môi trường. Gần đây, gạch, ngói khan hàng, được giá nên một số cơ sở sản xuất trở lại. Tôi mong chính quyền cần xử lý triệt để”. Còn theo ông Lương Công Tưởng, một trong những hộ tái sản xuất gạch thủ công ở khu phố Phú Hiệp 2, sau khi thực hiện chủ trương không được sản xuất gạch thủ công, nhà ông còn tồn khoảng 30.000m3 đất sét nguyên liệu. Chính quyền địa phương cũng kết nối với một doanh nghiệp thu mua nguyên liệu nhưng họ cho rằng đất sét nhà ông là đất sét ròng có độ dẻo quá cao nên khó sản xuất; đường vào khu đất chứa nguyên liệu lại quá nhỏ nên doanh nghiệp này vẫn chưa chịu thu mua. Do vậy, mặc dù biết làm trái quy định nhưng ông phải tiếp tục sản xuất để giải quyết hết số đất sét này.

 

Ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung cho biết: Từ đầu năm 2017, một số cơ sở tái sản xuất gạch, ngói thủ công đã làm tình hình an ninh trên địa bàn thêm phức tạp. Ban đầu chỉ có 3 hộ, sau đó có thêm hộ nữa và có nguy cơ lan rộng nếu không kịp thời xử lý, ngăn chặn. Sau khi phát hiện, địa phương đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng đến nay mới chỉ có 1 hộ chấp hành. Các hộ còn lại, gồm hộ ông Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Trực, Huỳnh Văn Thọ (khu phố Phú Hiệp 1), Lương Công Tưởng (khu phố Phú Hiệp 2) và Nguyễn Văn Chiêu (khu phố Phú Hiệp 3) vẫn lén lút hoạt động. Địa phương đã đề xuất huyện Đông Hòa phối hợp xử lý dứt điểm các hộ này, không để lan rộng, gây nên sự bất bình đối với những hộ khác đã nghiêm túc chấp hành.

 

Tăng cường xử phạt

 

Theo ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, sau khi xóa bỏ các lò gạch, ngói thủ công, địa phương còn tồn hơn 44.600m3 đất sét, tập trung ở nhà các ông Lương Công Tưởng (30.000m3), Nguyễn Văn Chiêu (10.000m3), Nguyễn Thành (3.000m3), Trần Đức Trực (500m3)… Cuối năm 2016, địa phương đã tìm đầu mối tiêu thụ để các hộ này bán số đất sét nói trên cho các lò sản xuất gạch tuynel, gạch không nung trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều hộ cố tình không chịu bán với lý do giá thấp và lại tiếp tục sản xuất gạch, ngói thủ công. Từ khi phát hiện các hộ tái sản xuất, chính quyền đã 3 lần lập biên bản nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: Chủ trương xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công đã hoàn thành từ năm 2016 nên tất cả những cơ sở tái sản xuất đều hoạt động trái phép. Do vậy, trong thời gian tới, huyện Đông Hòa tiếp tục đốc thúc việc xử lý nguồn nguyên liệu tồn, đồng thời chỉ đạo Công an huyện liên tục tuần tra, ngăn chặn các hộ tái sản xuất. Những cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công trái phép sẽ bị xử lý theo Nghị định 121 của Chính phủ, với mức phạt từ 30-40 triệu đồng/trường hợp; đồng thời toàn bộ phương tiện, dụng cụ sản xuất sẽ bị tịch thu. Các ngành chức năng của huyện cũng sẽ tổ chức lực lượng chốt chặn, xử lý các phương tiện vận chuyển đất sét, gạch ngói nguyên liệu và thành phẩm không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hộ vi phạm, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, địa điểm sản xuất trong các cụm công nghiệp để giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek