Chủ Nhật, 27/10/2024 17:19 CH
Đẩy mạnh chuỗi liên kết ngang giúp tăng lợi nhuận trong chăn nuôi
Thứ Bảy, 12/08/2017 10:16 SA

Hiện nay, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như giá cả bấp bênh, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn, điều kiện chăn nuôi ngày một khắc nghiệt... Người dân đang rất cần được sự hỗ trợ, định hướng tích cực từ các ngành chức năng để yên tâm phát triển sản xuất và có thu nhập ổn định. Báo Phú Yên đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Văn Trọng - Ảnh: THỦY TIÊN

* Ông đánh giá thế nào về thực trạng chăn nuôi của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ?

 

- Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ chiếm tỉ trọng chăn nuôi không lớn so với toàn quốc, tuy nhiên lại có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống dân sinh trong khu vực. Hiện nay ở vùng này, người dân phát triển một số đối tượng vật nuôi chính như bò, cừu, heo và gia cầm.

 

Thời gian qua, ngành Chăn nuôi ở các địa phương cũng có nhiều chuyển biến như người dân chuyển dần từ chăn nuôi bò quảng canh sang phương pháp thâm canh hoặc bán thâm canh, hình thức nuôi vỗ béo bò trước khi xuất bán được người dân chú trọng. Tỉ lệ bò lai toàn vùng đạt trên 66%. Đồng thời, nhiều địa phương đã bắt đầu hình thành được các trang trại heo với phương thức chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp; xây dựng được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Người nuôi heo cũng đã chú trọng đến chất lượng con giống...

 

Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn người chăn nuôi trong khu vực này duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư nên khó kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, 8 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ còn là khu vực bị ảnh hưởng khá nặng nề do biến đổi khí hậu, thường xuyên hứng chịu thiên tai dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi.

 

Trong khi đó, các địa phương chưa thực sự thích ứng tốt với việc biến đổi khí hậu; đặc biệt là xây dựng kế hoạch cho phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành NN-PTNT giai đoạn 2008-2020.

 

* So với những địa phương khác, tỉnh Phú Yên có những lợi thế và hạn chế gì trong phát triển chăn nuôi?

 

- Phú Yên có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng chăn nuôi theo điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi VietGAP. Hơn nữa hiện tại, nguồn cung thực phẩm của vùng chưa đủ cầu, chỉ đáp ứng khoảng 50% thị trường nên có thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất tốt. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn là địa phương có diện tích đồng cỏ chăn thả rộng lớn, có nguồn phụ phẩm nông nghiệp đa dạng có thể tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi.

 

Khó khăn nhất hiện nay để thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở Phú Yên tập trung ở một số vấn đề cốt lõi như hiện nay người chăn nuôi vẫn phải tự “bơi”. Các chính sách hỗ trợ phát triển chưa đi sát vào nhu cầu thực tế, chỉ mới dừng lại ở mô hình điểm. Tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi và khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng chưa được triển khai nên người chăn nuôi vẫn đang sản xuất với quy mô nông hộ ngay trong khu dân cư. Thị trường tiêu thụ vẫn đang bị các thương lái thao túng...

 

Người dân chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt bò - Ảnh: THỦY TIÊN

 

* Theo ông, giải pháp nào giúp người chăn nuôi của tỉnh ổn định sản xuất và có hiệu quả?

 

- Phương thức chăn nuôi ở Phú Yên chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại rất ít. Để người dân ổn định sản xuất và thu được lợi nhuận từ chăn nuôi thì khâu tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Vì vậy địa phương phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng đến phát triển chăn nuôi theo chuỗi ngành hàng, tạo các chuỗi liên kết ngang trong chăn nuôi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận, chủ động được lượng sản phẩm thu mua, tiêu thụ.

 

Muốn vậy, Phú Yên cần xúc tiến, thúc đẩy việc thành lập các tổ sản xuất, hợp tác xã chăn nuôi hoặc là những hiệp hội chăn nuôi để làm đầu mối tổ chức chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học, VietGAP cho những tổ nhóm. Từ đó các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận để thu mua sản phẩm, giúp người chăn nuôi tránh được rủi ro trong tiêu thụ, tạo thành chuỗi sản xuất liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, người chăn nuôi chủ động sản xuất theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Từng bước tiến tới chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hàng hóa

 

Theo tôi, người dân cần thực hiện tốt các gói kỹ thuật phù hợp với từng vùng như gói kỹ thuật phục vụ cho vùng khô hạn hay gói kỹ thuật phục vụ cho chăn nuôi ở vùng xâm nhập mặn... Mỗi gói kỹ thuật gồm 3 yếu tố chính là giống, thức ăn và quy trình chăn nuôi. Về giống, người chăn nuôi phải lựa chọn con giống có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái, tập quán chăn nuôi của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến các loại giống bản địa vì chúng có khả năng thích nghi và phát triển rất tốt. Vấn đề tiếp theo phải quan tâm đó là thức ăn. Người chăn nuôi phải có phương án dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong các mùa khô hạn, lũ lụt; đồng thời tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để làm thức ăn cho vật nuôi, điều này vừa giúp vật nuôi có thức ăn vừa giảm chi phí cho người chăn nuôi. Vấn đề còn lại là phải lựa chọn được phương pháp chăn nuôi phù hợp nhất, ưu tiên cho các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh, có biện pháp thâm canh phù hợp để tăng hiệu quả sản xuất, từng bước tiến tới việc chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hàng hóa.

 

TS Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek