Là một huyện ven biển nằm ở phía bắc của tỉnh, Sông Cầu có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy sản. Nơi đây đã hình thành nhiều nghề truyền thống như lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, lưới kéo tôm.
Tàu khai thác thủy sản ở Sông Cầu – Ảnh: P.V |
Toàn huyện có 11 xã, thị trấn với 20.628 hộ/ 96.386 nhân khẩu, trong đó thị trấn Sông Cầu và 7 xã có nghề khai thác thủy sản. Mỗi thôn thường có một nghề đặc trưng như thôn Dân Phước, Vạn Phước (thị trấn Sông Cầu) có nghề lưới kéo tôm, cá; thôn Dân Phú 2 (Xuân Phương) có nghề lặn; thôn Từ Nham (Xuân Thịnh) có nghề mành kết hợp ánh sáng; thôn Hòa An (Xuân Hòa) có nghề lưới quây rút chì, nghề pha xúc… Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX về việc phát triển ngành khai thác thủy sản đến năm 2010, trong đó chỉ tiêu đề ra đến năm 2010 là toàn huyện có khoảng 100 tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên và 90% tàu thuyền công suất nhỏ được cải hoán để có thể đánh bắt đa nghề và khai thác xa bờ, dài ngày từ năm 2005 đến nay, công tác chuyển đổi nghề khai thác thủy sản trong ngư dân huyện Sông Cầu đạt được những kết quả nhất định.
Để vận động nhiều ngư dân tham gia vào chương trình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhiều lớp tập huấn chuyên đề về kỹ thuật khai thác thủy sản; nâng cao năng lực đối phó với bão lốc trên biển; nhân rộng các ngành nghề mới khai thác có hiệu quả cho hàng trăm ngư dân… Từ đó, tạo chuyển biến trong ngư dân về việc thực hiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, chuyển đổi nghề khai thác thuỷ sản một cách hiệu quả hơn. Hiện tổng số tàu thuyền có gắn máy của huyện là 2.051 chiếc, với tổng công suất 47.881 CV, trung bình 23,3 CV/chiếc. Gần 3 năm nay, ngư dân đã cải hoán, đóng mới 43 tàu cá với công suất 3.600 C, chủ yếu tập trung ở thị trấn Sông Cầu: 30 chiếc/ 2.320 CV; xã Xuân Hòa: 10 chiếc/ 900 CV; xã Xuân Thọ 2: 2 chiếc/ 290 CV; xã Xuân Thọ1: 1 chiếc/ 90 CV. Các phương tiện này chủ yếu dùng câu cá ngừ đại dương, lưới quây rút chì và lưới kéo.
Tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 20 CV là 981 chiếc/11.660 CV, tập trung nhiều nhất ở các xã Xuân Cảnh: 245 chiếc/3.013 CV, xã Xuân Thọ 1: 169 chiếc/ 1.960 CV, xã Xuân Thịnh: 154/chiếc 2.151 CV, xã Xuân Hải: 148 chiếc/ 1.189 CV. Các phương tiện này chủ yếu hoạt động với nghề khai thác tôm hùm giống, nghề lưới rê (lưới cước các loại), nghề lưới kéo cá bống, nghề đáy...
Một nghề khác cũng rất hiệu quả là nghề lưới quây thưa khai thác cá sòng, cá nục, cá ồ… Thời gian hoạt động của nghề này thường ngắn, chỉ khoảng 4 đến 5 tháng trong năm. Do đó nhiều ngư dân ở thôn Hòa An (xã Xuân Hòa) đã sử dụng một phương tiện làm nhiều nghề khác nhau nhằm kéo dài thời gian hoạt động thực tế trên biển. Nhóm phương tiện hoạt động nghề này thường có công suất từ 50 CV đến 89 CV và từ 20 CV đến 49 CV.
Ngoài ra cũng phải kể đến nghề câu cá ngừ đại dương. Hiện chỉ có thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Thọ 2 là có phương tiện đánh bắt cá ngừ đại dương. Thời gian hoạt động của nghề này thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau. Do đó, các ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương thường kết hợp với nghề lưới kéo các loại để kéo dài thời gian hoạt động trên biển và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo nhiều ngư dân, sở dĩ việc đánh bắt, khai thác thủy sản những năm gần đây ở huyện Sông Cầu “ăn nên làm ra” là nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư vào các ngành nghề mới; biết hỗ trợ lẫn nhau, thông tin cho nhau về luồng cá, về thời tiết và phối hợp nhau trong khai thác vì có một số nghề nếu khai thác độc lập sẽ không mang lại hiệu quả. Các nghề khai thác thủy sản có thời gian hoạt động cho hiệu quả cao thường rất ngắn, chỉ khoảng 4 đến 5 tháng trong năm. Vì vậy, để không bị đứt nguồn thu nhập, ngư dân đã làm nhiều nghề khác nhau với một phương tiện hoạt động khai thác thủy sản để nghề này hỗ trợ cho nghề kia.
THANH HIỀN