Thứ Hai, 28/10/2024 11:20 SA
Đông Hòa: Phát triển kinh tế biển
Thứ Bảy, 29/07/2017 10:29 SA

Ngư dân huyện Đông Hòa đầu tư đóng tàu thuyền vươn khơi bám biển - Ảnh: THỦY TIÊN

Phát huy những lợi thế sẵn có, thời gian qua, ngư dân huyện Đông Hòa đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi, bám biển làm giàu. Hiện kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của Đông Hòa, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất toàn ngành của địa phương.

 

Đầu tư đánh bắt

 

Là địa phương ven biển, có đường bờ biển chạy ngang khoảng 31km, người dân huyện Đông Hòa sớm biết đến nghề khai thác thủy sản. Đến nay, ngư dân các làng biển ở Đông Hòa đã sở hữu đội tàu đánh bắt lên đến hàng trăm chiếc, chinh phục nhiều ngư trường khơi xa. Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho hay: Toàn huyện Đông Hòa hiện có hơn 700 tàu với tổng công suất gần 70.000CV, trong đó có 5 tàu vỏ thép và 3 tàu composite được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Cải ở khu phố Phú Thọ, thị trấn Hòa Hiệp Trung, ông biết đến nghề đánh bắt cá từ những ngày còn nhỏ khi theo cha thả lưới trên thuyền con. Hồi đó, phương tiện nhỏ, lưới cụ thô sơ nên các đối tượng đánh bắt chủ yếu là thủy sản gần bờ. Sau nhiều năm nối nghiệp cha, ấp ủ giấc mơ chinh phục biển khơi, ông đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu. Từ tàu nhỏ, ông nâng cấp máy rồi đổi hẳn sang tàu to. Tính đến nay ông đã 4 lần đổi tàu, hiện gia đình ông đang sở hữu 1 tàu cá vỏ gỗ có công suất 420CV chuyên hành nghề lưới vây ở vùng biển Trường Sa và 1 tàu cá vỏ thép công suất 885CV chuyên nghề lưới vây rút mạn được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ông Cải cho hay: Việc đầu tư tàu lớn với nhiều thiết bị ngư cụ hiện đại giúp công việc dò tìm luồng cá thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi có tàu công suất lớn, hiện đại, ngư dân chúng tôi an tâm vươn ra những ngư trường xa hơn, thực hiện được những chuyến biển dài ngày, góp phần bảo vệ lãnh hải của đất nước.

 

Cũng như gia đình ông Cải, rất nhiều ngư dân ở làng biển Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam và Hòa Tâm đã đầu tư tiền tỉ để nâng cấp tàu thuyền, trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai thác. Ông Trần Đắc Tải ở khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung cho hay: Hiện nay tàu cá gia đình tôi được trang bị đầy đủ các loại thiết bị như máy dò ngang, máy dò đứng, máy đo dòng chảy, máy định vị... nhờ vậy hiệu quả khai thác vượt trội hơn hẳn. Bình quân, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 20-25 ngày, mỗi năm thực hiện từ 7-8 chuyến.

 

Hiện nay, khi đội tàu khai thác phát triển mạnh, ngư dân huyện Đông Hòa còn đầu tư phát triển tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần, hỗ trợ ngư dân. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung Nguyễn Bửu, hiện địa phương có 30 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, mỗi tổ thường có từ 4-7 tàu, trong đó có từ 1-2 tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần đi kèm. Các tàu dịch vụ sẽ thu mua cá ngay trên biển và chuyển vào bờ, nhờ vậy thủy sản đảm bảo được chất lượng, ngư dân có thể kéo dài chuyến biển hơn.

 

Làm giàu từ biển

 

So với các ngành nghề khác, nghề khai thác thủy sản vất vả, khó nhọc và nguy hiểm hơn rất nhiều, nhưng bù lại thu nhập khá hơn hẳn. Ông Nguyễn Văn Cải ở thị trấn Hòa Hiệp Trung cho biết: Gần chục năm nay khi vợ chồng tôi quyết định nâng công suất tàu cá lên 420VC, đồng thời trang bị giàn lưới vây, hệ thống đèn và máy dò cá đã giúp việc đánh bắt hiệu quả hơn rất nhiều so với trước. Bình quân sau 25 ngày đánh bắt, sản lượng thu hoạch được từ 20-30 tấn cá. Mỗi năm tôi xuất bến được 8 chuyến, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 70 triệu đồng/chuyến. Với những hiệu quả từ nghề câu, mới đây gia đình tôi đã vay vốn đóng thêm 1 tàu cá vỏ thép làm nghề lưới vây rút mạn. Sắp tới tôi sẽ mở chuyến biển đầu tiên. Hy vọng với con tàu hiện đại, thiết bị đầy đủ hiệu quả khai thác sẽ tăng cao.

 

Còn theo ông Nguyễn Tám ở xã Hòa Hiệp Nam, đã 20 năm gia đình ông mua được chiếc tàu có công suất 20CV làm nghề lưới gần bờ. Sau nhiều năm tích lũy, vợ chồng ông Tám đầu tư đóng mới tàu có công suất 400CV chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương và mực. Ngư trường hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Bình quân, mỗi chuyến biển thường kéo dài chừng 1 tháng, mỗi năm ra khơi được khoảng 7 chuyến, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 300-500 triệu đồng.

 

Hiện nay, nhiều ngư dân đóng được tàu công suất lớn hiện đại, đồng thời lại ra khơi đánh bắt theo tổ nên tàu thuyền gần như không còn nghỉ theo mùa như trước mà đánh bắt quanh năm. Ông Huỳnh Thiện Tâm ở thị trấn Hòa Hiệp Trung cho hay: Bây giờ ngư dân chúng tôi nương theo con nước, tập tính cá mà chọn vùng biển khai thác. Mùa nam thì sẽ đánh bắt ở những vùng biển lộng, đến mùa bấc thì chuyển tàu ra vùng khơi ở vùng đảo Trường Sa để khai thác. Nhờ vậy, tàu sẽ kéo dài được thời gian hoạt động, thông thường sẽ chỉ nghỉ khoảng 2 tháng để tu sửa, làm nước lại cho tàu rồi tiếp tục vươn khơi.

 

Ông Đỗ Kim Đồng cho biết thêm: Hiện mỗi năm ngư dân địa phương khai thác được khoảng 10.000 tấn thủy sản các loại. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng thủy sản chỉ được tiêu thụ nội địa, sản lượng xuất khẩu còn rất hạn chế, chỉ từ 2.000-3.000 tấn/năm nên giá trị mang lại chưa cao. Để ngư dân địa phương an tâm bám biển, đầu tư nâng cấp tàu thuyền, địa phương kiến nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để nâng giá trị sản phẩm.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek