Thứ Hai, 28/10/2024 19:28 CH
Cây lúa lai giúp vùng miền núi phát triển
Thứ Ba, 25/07/2017 12:41 CH

Người dân xã K’rông Pa (huyện Sơn Hòa) kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa nước - Ảnh: MINH DUYÊN

Năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 170 về chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là NQ 170). Nhờ đó, vùng miền núi được hỗ trợ lúa lai, giúp đồng bào được tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, hình thành tập quán trồng lúa nước thay lúa rẫy. Đời sống của người dân ở đây đã dần được thay đổi.

 

Lúa lai chiếm ưu thế

 

Sơn Giang và Đức Bình Đông của huyện Sông Hinh là 2 xã miền núi thụ hưởng NQ 170 ngay từ năm 2016. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, 2 xã này được cấp phát miễn phí hơn 27 tấn lúa lai để gieo sạ trên diện tích 5,2ha, cho năng suất bình quân 60 tạ/ha/vụ, cao hơn các giống lúa thuần khác từ 2-4 tạ/ha/vụ.

 

Già làng Ma Xí, người uy tín ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, cho biết: Lúa rẫy không tốn nhiều công chăm sóc nhưng năng suất thấp, chỉ khoảng 40 tạ/ha/vụ, không đủ để đồng bào no cái bụng. Còn lúa lai khi được đưa vào trồng thử nghiệm thì đạt năng suất đến 60 tạ/ha/vụ, có nhà còn đạt 70-75 tạ/ha/vụ. Đồng bào phấn khởi lắm. Lúa lai đã giúp ổn định lương thực tại chỗ.

 

Vụ đông xuân 2016-2017, đồng bào Ê Đê ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) đã có vụ mùa bội thu lúa lai. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, giống lúa lai TH 3-5 được trồng thử nghiệm trên diện tích 10ha tại thôn Thống Nhất, thu hút 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

 

Mô hình lần này ngoài giúp đồng bào thấy được hiệu quả khi sử dụng giống tốt, thì còn đưa kỹ thuật canh tác sạ hàng sạ thưa để giảm lượng giống gieo sạ, đạt mật độ 5kg/sào; vừa giúp giảm chi phí vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Kết quả, giống lúa TH 3-5 cho năng suất trên 76,2 tạ/ha/vụ, cao hơn ruộng sản xuất đại trà 13,5 tạ/ha/vụ.

 

Tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), lúa lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Võ Văn Trí, Chủ tịch UBND xã này, cho biết: Vụ đông xuân 2016-2017, lúa lai TH 3-5 được đưa vào sản xuất trên diện tích 15ha tại các thôn Phước Hòa, Phú Xuân A và Phú Xuân B. Khi thu hoạch, mô hình cho năng suất đạt 82,7 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 9,5 tạ/ha; lãi cao hơn 4,1 triệu đồng/ha/vụ.

 

Điểm khác biệt trong triển khai NQ 170 của HĐND tỉnh ở các xã, huyện miền núi là được lồng ghép vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135. Từ đây, các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được hỗ trợ 100% giống.

 

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, năm 2017, 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh sử dụng hơn 3.200ha gieo sạ các loại giống xác nhận và lúa lai F1. Trong đó hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 giúp gieo sạ trên diện tích 600ha. Ông Trần Hưng Lợi, Phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Sự lồng ghép này đã giúp các mô hình lúa lai được nhân rộng ra các thôn, buôn, xã đặc biệt khó khăn và giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt kỹ thuật sản xuất, qua đó từng bước giảm nghèo, nâng cao mức sống.

 

Góp phần ổn định cuộc sống

 

Ma Kin ở buôn Bai, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước đây, nhà mình nghèo lắm, lúa làm cả vụ chẳng đủ gạo ăn cho 5 người. Từ khi được học kỹ thuật trồng lúa nước, được cho giống lúa lai thì nhà mình không những đủ gạo ăn mà còn có lúa để bán. Mùa mưa hay nắng chẳng còn lo thiếu cái ăn nữa rồi.

 

Còn theo Ma Gia, Trưởng buôn Bai, buôn có 226 hộ. Trước đây, buôn có tới 70% hộ nghèo. Được hỗ trợ giống lúa phát triển sản xuất nên kinh tế hộ các gia đình đồng bào ngày một ổn định. Thu nhập của người dân cũng tăng lên, cụ thể từ 10 triệu đồng/người/năm sau hơn 1 năm tăng lên 14 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn 50%.

 

Mô hình lúa lai thử nghiệm ở xã Sơn Giang được bà con đồng tình nên đã nhân rộng, góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống người dân. Theo UBND xã Sơn Giang, hiện địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa lai trên diện tích 170ha/vụ, cho năng suất bình quân đạt 70-75 tạ/ha.

 

Thu nhập của người dân cũng được nâng lên từ hơn 21 triệu đồng/người/năm đến nay đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 triệu đồng trong 2 năm. Là một xã có hơn 1.200 hộ dân mà có tới 13 dân tộc thiểu số sinh sống nên việc nâng cao sản xuất, ổn định lương thực tại chỗ có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của toàn xã.

 

Đời sống của bà con được nâng lên góp phần tích cực cho vùng miền núi xây dựng nông thôn mới. Theo Sở NN-PTNT, nhờ triển khai các mô hình sản xuất tại những xã điểm và xã đăng ký về đích nông thôn mới đã giúp các xã này sớm hoàn thành tiêu chí về mô hình sản xuất hiệu quả và góp phần hỗ trợ hoàn thành tiêu chí thu nhập.

 

Theo ông KPá Út, Phó Ban Dân tộc tỉnh, vùng miền núi lấy sản xuất nông nghiệp là thế mạnh phát triển kinh tế, trong đó cây lúa có vai trò quan trọng giúp ổn định lương thực tại chỗ, khắc phục tình trạng đói giáp hạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

NQ 170 đã hỗ trợ giống lúa lai, trình diễn mô hình, tập huấn kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho đồng bào, nên cơ bản thay đổi được tập quán canh tác cũ lạc hậu ở vùng này, từng bước nâng cao giá trị sản xuất; hướng tới nhân rộng 100% diện tích sử dụng lúa lai trên toàn tỉnh.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek