Hội Nông dân (HND) tỉnh, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN PTNT), Sở Thủy sản Phú Yên cùng phối hợp với ngành ngân hàng đã hỗ trợ vốn vay, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống tốt… cho nông, ngư dân. Nhờ đó, bà con đã đầu tư phát triển nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi cá mú lồng đang phát triển mọc ở huyện Sông Cầu. - Ảnh: N.L
TIẾP SỨC CHO NÔNG DÂN
Giám đốc Sở NN PTNT Võ Minh Thức cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ, tổ chức tham quan học hỏi, mở hội thi kiến thức nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao kỹ thuật mới bằng nhiều lớp tập huấn, trình diễn nhiều mô hình mẫu, hỗ trợ cây, con giống mới để phục vụ cho sản xuất. Các kỹ sư nông ngư nghiệp cũng đã hướng dẫn cho nông dân phương pháp quản lý và hoạch toán sản xuất; hướng dẫn công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông, lâm thuỷ sản cho nông dân. Sở NN PTNT, Sở Thủy sản và HND tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân, phát huy nội lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trong 2 năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã tín chấp giúp cho 121.800 hộ nông dân vay vốn với số tiền là 1.760 tỉ đồng. Chỉ tính trong năm 2006 đã có 43.000 hộ hội viên nông dân vay với số tiền 608 tỉ đồng. Đa số nông, ngư dân vay vốn đều sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Những đơn vị thực hiện tốt là huyện Sông Cầu với số dư nợ 210 tỉ đồng cho gần 6.000 hộ vay vốn; huyện Tây Hòa với số dư nợ là 81 tỉ đồng cho gần 8.000 hộ vay vốn. Hội còn tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho 19.000 hộ nông dân nghèo và cận nghèo vay với số tiền 103 tỉ đồng. Ngoài ra, gần 2.000 hộ nông dân thuộc diện nghèo được vay trên 6 tỉ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn giải quyết việc làm để sản xuất với quy mô nhỏ… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân đã giảm dần, chỉ còn 16,78% (31.897 hộ) theo tiêu chí mới.
HÌNH THÀNH CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ
Ngành nông nghiệp đã tổng hợp được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và những cánh đồng đạt 50 triệu/ha/năm với tổng diện tích 1062,4ha. Đó là, mô hình chuyên canh rau muống (phường 5), trồng hoa, cây cảnh (phường 9), luân canh lúa + dưa hấu + dưa leo, lúa + dưa hấu + cà chua,… ở TP Tuy Hòa; mô hình trồng lúa + nuôi cá nước ngọt đang phát triển mạnh ở huyện Phú Hòa. Ở các vùng nông thôn huyện miền núi Sơn Hòa đã hình thành được các mô hình thâm canh mía có tưới, trồng thuốc lá vàng sấy 2 vụ/năm, trồng khoai môn sạch bệnh, trồng điều cao sản xen cây họ đậu... Một số cánh đồng đạt 50 triệu/ha/năm gồm sản xuất lúa + đậu xen bông vải, lúa + bắp + bông vải, thâm canh mía có tưới ở xã An Dân, huyện Tuy An; mô hình thâm canh mía năng suất trên 100 tấn/ha ở huyện Sông Hinh…
Đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản, nổi bật nhất là mô hình nuôi và cung ứng tôm hùm giống ở huyện Tuy An, Sông Cầu. Ngư dân vừa đánh bắt tôm hùm giống để nuôi, vừa mua bán tôm hùm giống thu lãi rất cao. Ngoài ra, mỗi hộ nuôi từ vài chục đến 100 lồng tôm hùm thương phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Những hộ nuôi tôm hùm thường đạt tiêu chí SX-KDG cấp quốc gia, điển hình có hộ bà Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Văn Cư ở xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu… Mặc dù thời gian gần đây, nghề nuôi tôm hùm gặp khó khăn do bệnh gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi, nhưng nghề này vẫn đang có chiều hướng phát triển ở miền biển.
Mô hình nuôi thủy sản nước ngọt được Trung tâm khuyến ngư tỉnh chọn lọc và mỗi năm chuyển giao cho các địa phương thực hiện. Đối tượng nuôi rất đa dạng gồm cá trê lai, cá lóc đen, cá chép, cá bóng tượng, diêu hồng, rô phi đơn tính, ếch, baba… Diện tích thả nuôi thuỷ sản ở ao nước ngọt tăng lên 217ha, tập trung tại các huyện Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh. Những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng có những thời điểm thiếu đầu ra nên chưa phát triển mạnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Kim, Chủ tịch HND tỉnh nông dân Phú Yên đã và đang hình thành được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, chưa nhân rộng. Vì vậy các ngành chức năng của tỉnh nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân về vốn, giống; đào tạo chuyên môn kỹ thuật, phương pháp quản lý sản xuất với sản phẩm chất lượng tốt và giá thành hạ; phổ biến kiến thức về giá cả và thị trường… Các hình thức sản xuất cá thể, tự do chuyển dần sang hình thức liên kết hợp tác. Các mô hình: liên kết hộ, nhóm hộ, liên kết các hợp tác xã, liên kết hộ với các doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp thuê đất đai lao động của hộ, hoặc các hộ dùng đất đai tham gia cổ phần vào doanh nghiệp, mô hình dồn điền đổi thửa… là những hình thức hiệu quả nhất để sản xuất với quy mô lớn.
NGUYÊN HƯƠNG