Thứ Bảy, 26/10/2024 09:29 SA
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp:
Tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất
Thứ Tư, 24/05/2017 07:50 SA

Trình diễn máy nông cụ tại thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Thời gian qua, nông dân trong tỉnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng diện tích manh mún, nhỏ lẻ, rất khó cho việc cơ giới hóa đồng bộ. Vì vậy, trong thời gian đến, các địa phương cần thực hiện việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn để nông dân học tập.

 

Áp dụng vào khâu làm đất, gieo trồng

 

Ông Phạm Văn Trung ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Tôi mua máy phạt chồi về phạt chồi non trên rẫy keo trồng sau nhà. Trước đây, rẫy keo nhà tôi mỗi lần phạt chồi phải thuê 5 công, còn nay có máy, tôi “hạ” một ngày là xong. Một năm, chúng tôi phải phạt chồi 2 lần nên tính ra giảm được 8 công lao động. Với ngày công hiện nay khoảng 150.000 đồng/người thì tôi bớt được 1,2 triệu đồng. Cũng theo ông Trung, hết mùa phạt chồi, hàng ngày ông mang máy ra cắt cỏ tây trồng ngoài bờ sông, chỉ cần phạt 10 phút là đầy 2 gánh cỏ. Trong khi đó, nếu cắt bộ bằng câu liêm để có 2 gánh cỏ thì ông phải mất cả buổi.

 

Còn ông Hồ Văn Hải, nông dân trồng mía ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), cho hay: Nhà tôi có 2ha đất, mỗi năm trồng 1ha sắn, 1ha mía. Nếu cày bò như trước đây thì 1 tháng mới xong khâu cày ải, nay có máy cày chảo thì chỉ cần 1 ngày là xong. Lợi thế nữa là vùng này trồng sắn, mía dựa vào nước trời, bước qua đầu tháng 4 có mưa giông thì cày đất rồi trồng. Nếu cày bò thì đất khô trồng ép dẫn đến tỉ lệ nảy mầm thấp, cây trồng thưa thớt. Còn nay cày máy, xuống giống đồng loạt, đất lại giữ độ ẩm nên tỉ lệ nảy mầm cao.

 

Những năm gần đây, thông qua các hội thảo về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nhiều loại máy mới. Ông Bùi Văn Long ở xã An Xuân (huyện Tuy An), dự hội thảo về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tây Hòa. Trong khuôn khổ hội thảo có trình diễn nhiều loại máy nông cụ, trong đó có máy cày tay (loại mini) cày 1 lưỡi, ông ưng ý hỏi mua. “Khu đất gò đồi nhà tôi nằm sâu trong hóc núi, không có đường để máy cày đại vào. Trong khi đó, loại máy cày 1 lưỡi này chỉ cần có đường mòn rộng 0,5m là vào được. Mấy năm trước tôi cày bò, khi cày mía gốc phải cày 2 bận mới lật hết gốc mía, còn vụ này tôi mua máy cày 1 lưỡi chỉ cần xốc qua một lần là bứng gọn”, ông Long nói.

 

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm rõ rệt chi phí đầu tư. Đối với cây mía, chỉ tính riêng khâu làm đất đã giảm 300.000 đồng/ha; còn công trồng mía, nếu như trước đây phải đầu tư 25 công/ha, thì nay giảm xuống còn 3 công (1 người lái máy và 2 người bỏ hom) nên tiết kiệm được trên 1,7 triệu đồng/ha. Vừa qua, trung tâm thực hiện mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía trên diện tích 50ha, kết quả cho thấy năng suất lao động tăng 5 lần, chi phí sản xuất giảm từ 25-30%.

 

 

Trình diễn máy nông cụ tại thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM

 

 

Hiệu quả trong thu hoạch

 

Đối với khâu thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp giúp giảm thất thoát, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ thu hoạch đông xuân vừa qua, gặp mưa trái mùa, lúa trên cánh đồng phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) ngã rạp, thế nhưng nhờ có máy gặt đập nên tiến độ thu hoạch nhanh gọn. Ông Nguyễn Văn Toàn ở phường Phú Đông, cho hay: Vùng này lúa đều bị ngã nhưng nhờ có máy gặt đập nên thu hoạch kịp thời, lúa không bị nảy mầm. Lúa không ngã cắt máy gặt đập mất 120.000 đồng/sào, còn lúa ngã thì cắt máy tốn đến 160.000 đồng. Tuy nhiên, thu hoạch bằng máy chỉ 1 tiếng đồng hồ là xong, trong khi trước đây cắt tay phải mất cả ngày. Giá công thuê cắt tại đám thì 500.000 đồng/sào, còn gánh về nhà 600.000 đồng/sào.

 

Cánh đồng thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) nằm sát cánh đồng phường Phú Đông, lúa cũng ngã chồng ngã chéo. Ông Nguyễn Tấn Vinh ở thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Tôi có 3 sào ruộng, lúa ngã nhưng nhờ gặt máy nên 1 buổi là xong. Lúc chưa có máy, gặt tay mất 2 ngày, mỗi ngày ít nhất 6 công, mỗi công 150.000 đồng/ngày. Sau khi cắt xong còn phải thuê công gánh đến chỗ đặt máy tuốt lúa nên rất tốn chi phí.

 

Theo nhiều nông dân, thu hoạch lúa ngã không chỉ tốn công gặt tăng cao mà thất thoát trong khâu thu hoạch cũng rất lớn. Nếu lúa đứng, thu hoạch bằng máy thì thất thoát khoảng 3-5%, còn lúa đổ ngã mất trên 10%. Nếu thu hoạch bằng tay qua nhiều khâu vận chuyển thì thất thoát còn cao hơn, 1 sào hao hụt ít nhất hơn nửa bao lúa (30kg). 

 

Hiện đối với 3 loại cây trồng chính trên địa bàn tỉnh là lúa, mía và sắn, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt từ 98,3-98,7%, khâu vận chuyển đạt từ 73,8-100%. Riêng khâu thu hoạch, phun thuốc, bón phân, mức độ cơ giới hóa đối với cây lúa chiếm tỉ lệ khá cao nhưng đối với mía, sắn thì tỉ lệ này còn thấp. Vì vậy thời gian đến, để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đồng bộ, các địa phương thực hiện việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố cần khuyến khích tư nhân đầu tư cơ sở sản xuất, chú trọng phát triển giao thông nội đồng để đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa đối với các loại cây trồng.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek