Chủ Nhật, 27/10/2024 15:35 CH
Miền núi ngày càng đổi thay
Thứ Sáu, 28/04/2017 15:00 CH

Người dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) được sử dụng nước giếng đào từ sự hỗ trợ của một chương trình - Ảnh: MINH DUYÊN

Từ chỗ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thì nay đồng bào dân tộc thiểu số đã biết làm lúa nước, lúa lai, tìm nước tưới cho mía. Những trụ nước máy cũng dần thay thế bước chân ra suối tìm nước… Vùng miền núi của tỉnh từ đó cũng đổi thay từng ngày.

 

Thay đổi tập quán sản xuất

 

Về các xã Xuân Phước, Đa Lộc… của huyện Đồng Xuân, xã Suối Trai, Ea Chà Rang… của huyện Sơn Hòa, bên những rẫy sắn, rẫy mía là những ruộng lúa chín vàng, trĩu bông. Đây là kết quả của chương trình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông và Phòng NN-PTNT các huyện trong trình diễn mô hình lúa lai TH3-5. Ma Khiêm, một người Ê Đê ở xã Suối Trai, phấn khởi: Lần đầu tiên nhà tôi làm lúa đạt năng suất trên 80tạ/ha, cao hơn bình thường tới 20 tạ/ha; cho lợi nhuận 23 triệu đồng/ha, cao hơn trước từ 8-9 triệu đồng/ha. Ngày trước, tôi phải sạ tới 200kg giống/ha, nay được hướng dẫn kỹ thuật nên tôi chỉ sạ 50kg/ha. Mặc dù vậy, giống lúa lai vẫn cho hiệu quả khác hẳn.

 

Lúa lai xuất hiện ở huyện Sông Hinh từ 3 năm trước, đến nay đã bén rễ trên khắp vùng đất núi thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. “Hiệu quả thực tế của mô hình đã tác động vào nhận thức của bà con, làm thay đổi thói quen canh tác cũ. Đặc biệt giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với giống lúa lai, kỹ thuật trồng lúa nước sạ hàng, sạ thưa… Hồi trước, đơn vị nhập lúa lai về bán không có người mua, giờ đồng bào đã tìm tới mua các giống lúa mới”, ông Nguyễn Dữ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nói.

 

Đối với cây mía, đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động tìm nguồn nước tưới, giúp tăng năng suất. Ma Tâm ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho biết: Ngày trước, tôi chỉ biết cắm ngọn mía xuống đất rồi cúng Giàng (ông trời) mong mưa xuống. Từ năm 2013, tham quan mô hình mía tưới nước do Sở NN-PTNT phối hợp với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa tổ chức, tôi đã thấy được hiệu quả của việc chủ động nước tưới cho cây. Do đó, tôi đã về đào hồ trữ nước, mua máy bơm để sẵn sàng tưới cho mía. Được tưới nước đầy đủ, niên vụ mía này, cây mía tôi trồng cho năng suất đạt 80 tấn/ha, cao hơn trước 8 tấn/ha.

 

Trong chăn nuôi, người dân vùng miền núi đã hình thành thói quen làm chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò thay vì thả rông như trước. Mang Hiếu, người uy tín ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Trước đồng đất rộng, cỏ mọc nhiều, người thưa, bà con mua vài con bò thả cho ăn ngoài bờ, ngoài bãi; tới tối thì dắt về cột ở hiên nhà. Giờ, được hướng dẫn cách trồng cỏ, các hộ tận dụng đất trống quanh nhà trồng cỏ voi, chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi. Các hộ cũng được hỗ trợ làm chuồng trại nên bò có chỗ cột riêng, không gây mất vệ sinh môi trường.

 

Cơ sở hạ tầng khang trang

 

Xã Phước Tân cùng với xã Sơn Long, Sơn Định của huyện Sơn Hòa là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Xã Phước Tân có hơn 93% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, hạ tầng thiếu thốn cộng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến đời sống người dân trong xã khó khăn. Nhưng nay nhờ được Đảng, Nhà nước đầu tư vốn, chính quyền các cấp quan tâm nên bộ mặt thôn, xã đã đổi thay từng ngày. Già làng La O Trương ở thôn Suối Đá, xã Phước Tân, nhớ lại: 5 năm trước, đường ở xã này chủ yếu là đường đất, các công trình thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa… thiếu thốn. Giờ thì khác rồi, đường trong xã khang trang, đi xe máy tới huyện tới tỉnh mất nửa ngày, chứ không cần 1-2 ngày như trước. Các công trình phục vụ sản xuất, dân trí, sinh hoạt cộng đồng được xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống người dân.

 

Còn theo ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, từ năm 2013 đến nay, xã được hỗ trợ gần 5 tỉ đồng để nâng cấp trường tiểu học, mở rộng công trình cấp nước, kiên cố kênh mương và đập dâng, xây mới và sửa chữa nhà rông các buôn… Nhờ vậy, bà con phát triển sản xuất, hộ nghèo giảm còn 287 hộ. Xã phấn đấu hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, phát triển vùng miền núi là nhiệm vụ quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội cũng như chính trị, quốc phòng trên địa bàn. Thời gian qua, nhiều nguồn vốn đã hỗ trợ vùng miền núi phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhờ đó, hàng năm, tỉ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 3-4%/năm. Số hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập bình trên 70 triệu đồng/năm và trở thành nông dân sản xuất giỏi các cấp chiếm 20% tổng số nông dân sản xuất giỏi toàn tỉnh.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek