Thứ Hai, 28/10/2024 05:26 SA
Chuyện cây lúa lai về xã Suối Trai
Thứ Sáu, 21/04/2017 13:00 CH

Đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở xã Suối Trai vui mừng được mùa lúa lai - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) đang thu hoạch lúa lai TH3-5. Đây là vụ đầu tiên người Ê Đê có niềm vui khi lúa lai được mùa.

 

Người Ê Đê trồng lúa lai

 

Các thành viên của gia đình Ma Rim dàn hàng ngang trên đám ruộng cắt lúa lai. Vừa xuống lối cắt được đường bừa, Ma Rim trầm trồ: Lúa lai cắt một nắm cầm nặng tay, bằng trước đây lúa bồ (lúa thịt làm giống) quơ cả ôm. “Thương” nữa là lúa lai trổ đều một rập, phơi gié đơm lên màu vàng, còn lúa thịt trổ giấu gié, lại có lúa rài (lúa lẫn), nhìn vô đám ruộng chỉ thấy lá lao (lá cuối cùng của cây lúa), đám lúa lẫn lộn nhiều tầng.

 

Phía bên kia con đường nội đồng, gia đình Ma Hờ Niếu cắt được nửa ruộng lúa lai rồi ra bờ mương ngồi nghỉ mệt. Hờ Niếu cho hay: Cũng đám ruộng này, trước đây, gia đình sạ giống lúa có sẵn trong bồ, cắt rồi gùi một buổi là xong. Nay lúa lai nặng gié, theo đà này chắc gùi đến nửa buổi chiều mới hết.

 

Hôm hội thảo đầu bờ mô hình lúa lai TH3-5 do Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức, đồng bào Ê Đê đứng chật bờ ruộng. Một số người xách dép đi trên bờ ruộng lún “thăm” hết cánh đồng để so sánh. Ông Ma Vui bứt gié lúa thịt với một gié lúa lai chúc xuống, gié lúa lai dài hơn cả lóng tay, hạt sáng trưng, còn lúa thịt bị nốt ruồi đen nhẻm. Ma Vui đếm, gié lúa lai có đến 118 hạt, trong khi lúa thịt làm giống chỉ 80 hạt/gié, lại “đèo” thêm mấy hạt lúa lép nữa. Nhận xét về mô hình trồng lúa mới, Ma Vui hồ hởi: Hồi mới sạ, lúa lai bị “tai tiếng”. Bây giờ, gié trổ đều, hạt xếp khít nhau, không riêng gì tôi mà bà con trong xã ai cũng trầm trồ mã lúa đẹp.

 

Ma Vui kể: Ở vùng này lâu nay vẫn sạ lúa bồ. Cứ đến vụ mùa, bà con xúc lúa trong bồ ra ngâm ủ giống, 20kg/sào (1.000m2), đổ đầy một bao cột túm miệng vác ra ruộng gieo sạ. Còn làm lúa lai, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân chỉ tốn 5kg/sào, ngâm ủ xong bưng gọn cái thúng ra ruộng vãi giống. Khi lúa gần 20 ngày tuổi, vợ tôi ra đồng dặm ruộng, đến nơi ngắm một hồi xong bà về, để ngửa cái nón trước hàng ba, càm ràm: Lúa gì mà thưa rỉnh thưa rảng, sắp đến lấy gì mà ăn. Không những vợ tôi mà nhiều phụ nữ đi cấy dặm đều râm ran bàn tán, toàn “chê” lúa lai. Thế nhưng khi lúa hơn 1 tháng tuổi, bụi lúa nở ra sát bờ sát góc, màu xanh mượt của lúa lai phả qua khỏi bờ ruộng, nhiều người qua lại cánh đồng đều trầm trồ. Lúa lai lấy lại vị thế, trong xóm có nhà đám giỗ, lúa lai được đưa lên “đầu câu chuyện”. Sau đó, nhiều người đi thăm đồng không đi thăm lúa mình mà ghé qua thăm lúa lai.

 

Vui lúa được mùa

 

Gia đình Ma Khiêm trồng 2 sào lúa lai. Lúa chín, ông ra ruộng cắt một chòm, vừa đủ một bao, phơi khô xay gạo. Ông nhận thấy lúa lai được gạo hơn, xay bao lúa hứng hơn nửa bao gạo, hạt gạo trọng suông. Còn trước đây, ông xay bao lúa thịt còn lại chưa được 1/3 bao gạo tấm. “Lâu nay, tôi cứ tưởng lúa thịt ủ rượu ché nhiều nước nhưng vừa qua tôi thử ủ lúa lai, rất được rượu”, Ma Khiêm nói.

 

Bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, kể: Đầu vụ, tôi đi vận động bà con tham gia mô hình nhưng lúc đó thấy lúa sạ thưa, bà con nóng mặt phản đối, bắt đền tiền công. Cuối vụ, qua cắt thí điểm, các ruộng sản xuất giống lúa TH3-5 cho năng suất trên 76,2 tạ/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà 13,5 tạ/ha. Trong đó, nhiều hộ có năng suất khá cao như hộ Ma Rim 80,7 tạ/ha, Ma Vui 80,5 tạ/ha, Ma Khiêm 80,2 tạ/ha, Ma Bi 80,3 tạ/ha, Ma Hờ Niếu 80,6 tạ/ha, Ma Nghĩa 80,8 tạ/ha... Bà con ai cũng vui, có người ủ rượu ché từ lúa lai ăn mừng. Qua vụ lúa này, nông dân trong xã sẽ tin tưởng trồng lúa lai thay thế lúa thịt.

 

Theo ThS Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, vụ đông xuân 2016-2017, tại xã Suối Trai, giống lúa TH3-5 được trồng trên diện tích 10ha. Giống lúa này do Công ty TNHH Mahyco Việt Nam cung ứng, với 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng thử nghiệm, mật độ gieo sạ 5kg/sào. Trong thời gian sinh trưởng, dưới 30 ngày, lúa lai lắm “tai tiếng”. Thế nhưng về sau, “ưu thế” lai kháng sâu bệnh, đẻ nhánh khỏe, tập trung, kháng bệnh đạo ôn, bạc lá trội dần. Qua hội thảo đầu bờ, chúng tôi cân đo đong đếm thì lợi nhuận bình quân mô hình đạt trên 22,6 triệu đồng/ha, ruộng đối chứng chỉ đạt 14,2 triệu đồng/ha, như vậy lãi ròng ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 8,3 triệu đồng/ha.

 

Suối Trai là xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập chính cho bà con. Tuy nhiên, năng suất lúa bình quân ở đây chưa cao, chỉ 55,5tạ/ha, do nông dân sạ dày, dùng lúa thịt làm giống, sử dụng một giống lúa nhiều vụ nên lúa bị thoái hóa... Mô hình trồng giống lúa lai TH3-5 lần đầu tiên được triển khai cho đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê xã Suối Trai cũng như đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa. Thông qua mô hình, bà con dân tộc thiểu số được hướng dẫn trồng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất thâm canh, cây lúa lai cho năng suất, chất lượng cao.

 

Ông Kpá Y Quyên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek