Thứ Hai, 28/10/2024 11:17 SA
Giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Còn nhiều gian nan
Thứ Ba, 18/04/2017 13:00 CH

Hoạt động sản xuất của đồng bào DTTS vẫn phụ thuộc vào tự nhiên nên bấp bênh, thu nhập thấp - Ảnh: MINH DUYÊN

Các thôn, buôn và xã miền núi đặc biệt khó khăn là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những nơi này có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tập quán canh tác lạc hậu nên tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ nhưng công tác xóa đói giảm nghèo ở những khu vực này vẫn còn nhiều gian nan.

 

Còn nhiều hộ nghèo

 

Ông Phạm Thế Vụ, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), cho biết: Xã Đa Lộc có 6 thôn với 1.265 hộ. Trong đó, hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các thôn 1, 6 - nơi có đông DTTS đồng bào sinh sống. Toàn xã hiện có 651 hộ nghèo thì thôn 1, thôn 6 có đến 283 hộ, chiếm hơn 43%.

 

Tại huyện Đồng Xuân có thôn 100% hộ nghèo và cận nghèo, như thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2. Theo ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, Kỳ Đu là thôn duy nhất của xã có đồng bào DTTS sinh sống, cũng là thôn duy nhất có 100% hộ nghèo và cận nghèo. Cả thôn chỉ có 96 hộ sinh sống, chiếm 8% dân số toàn xã, nhưng lại có tới 85 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo.

 

Ở các xã miền núi luôn tồn tại tình trạng hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ cao. Điển hình như xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) với 7 thôn, buôn có đồng bào DTTS sinh sống, chiếm 87,5% dân số toàn xã. Theo UBND xã Cà Lúi, toàn xã có 596 hộ với 498 hộ đồng bào DTTS; trong đó có 278 hộ nghèo và 77 hộ cận ng­hèo.

 

Một số xã tỉ lệ hộ nghèo hàng năm có giảm nhưng số hộ nghèo vẫn ở mức cao trong tổng số dân toàn xã. Ông Nay Y Rú, Chủ tịch UBND xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) cho biết: Hiện xã Ea Bá có 456 hộ, trong đó 98% là đồng bào DTTS. So với năm ngoái thì năm nay, số hộ nghèo trong xã giảm 5,2%, nhưng hiện số hộ nghèo toàn xã vẫn chiếm trên 57%, với 261 hộ nghèo. Toàn xã có 4 buôn thì 3 buôn có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%. Còn buôn Chao số hộ ng­hèo tuy ít hơn với 41% (37/90 hộ), nhưng số hộ cận nghèo lại cao với 20 hộ.

 

Theo UBND huyện Sơn Hòa, với chuẩn nghèo đa chiều, hiện địa phương có 3.224 hộ nghèo, chiếm gần 21% dân số toàn huyện. Trong đó, 2.700 hộ nghèo là DTTS, chiếm gần 84% tổng số hộ nghèo toàn huyện.

 

Cần nâng cao nhận thức của người dân

 

Ông So Y Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, cho biết: Nhiều năm trước, đồng bào đã được hỗ trợ gần 284 triệu đồng mua lúa giống, phân bón để thay đổi tập quán canh tác cũ, hình thành thói quen làm lúa nước 2 vụ và sạ hàng bằng lúa giống mới. Nhưng sau khi nhận hỗ trợ, nhiều hộ đã bán lấy tiền tiêu xài hoặc giã lúa giống lấy gạo ăn. Đồng bào cũng được hỗ trợ tiền mua bò lai (10 triệu đồng/hộ) để nuôi. Tuy nhiên, do đồng bào quen với tập quán thả rông, không làm chuồng trại khiến bò lai gầy ốm...

 

Trong khi huyện Sơn Hòa chọn cây mía là cây giúp người dân thoát nghèo từ nhiều năm nay thì tại xã Cà Lúi, diện tích trồng mía lại giảm dần. Ông So Y Hải cho biết thêm: Diện tích mía giảm từ 318ha niên vụ năm 2015-2016 xuống còn 132ha niên vụ năm 2016-2017. Diện tích mía giảm do nắng hạn kéo dài, không có nước tưới, cộng với đường trục chính ở xã chưa được bê tông hóa nên vận chuyển mía xuống nhà máy chi phí cao, lãi thấp…

 

Nhiều mô hình sản xuất hỗ trợ hộ nghèo phát triển trồng trọt và chăn nuôi đã được chính quyền các cấp triển khai trong vùng đồng bào DTTS, nhưng những mô hình này chỉ duy trì được năm đầu. Theo UBND xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), xã còn tới gần 162ha đất chưa sử dụng. Đàn bò của xã tới hơn 2.700 con. Để hỗ trợ các hộ duy trì nguồn thức ăn tại chỗ cho bò trong những điều kiện thời tiết bất thường, năm 2014, chính quyền đã triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò trên diện tích 4,6ha, với mong muốn các hộ sau đó sẽ tự trồng cỏ xung quanh nhà hoặc trên những bãi, đồi trống. Đến nay, mô hình này không còn duy trì. La Mo Tút ở xã Ea Lâm nói: Tôi thường xuyên đi rẫy nên dắt bò theo ăn cỏ dọc đường luôn. Ngày trước học theo mô hình, tôi cũng trồng 2 sào cỏ quanh nhà nhưng chẳng ai trông nên gà, bò hàng xóm vào phá vậy là tôi không muốn trồng cỏ nữa.

 

Theo ông KPá Út, Phó Ban Dân tộc tỉnh, hiện đồng bào DTTS chỉ chiếm 6,6% dân số toàn tỉnh, nhưng số hộ nghèo gần 7.200/16.000 hộ, chiếm 45% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm trên 50% số hộ đồng bào DTTS. Những năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển sản xuất bằng cách xây kênh mương thủy lợi, làm mô hình, tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ nông cụ sản xuất… Nhưng khu vực này tỉ lệ hộ nghèo vẫn cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, còn có nguyên nhân chủ quan do đồng bào chưa thay đổi được tập quán canh tác cũ, ỷ lại vào sự hỗ trợ… “Thời gian tới, để tiếp tục giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, các nguồn vốn từ Chương trình 135, Quyết định 30a, xây dựng nông thôn mới… cần được sử dụng hiệu quả. Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, chính quyền các cấp cần chú trọng hơn nữa đến những mô hình phát triển sản xuất theo tinh thần không cho không mà gắn với tập huấn nâng cao trình độ…”, ông KPá Út nói.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek