Hiện nay, sắn củ tươi có giá 1.700 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cách đây hơn một tháng. Tuy nhiên, thời điểm này đang vào cuối vụ, toàn tỉnh chỉ còn gần 1.000ha sắn chưa thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho biết: Tôi vừa bán 5 tấn sắn củ tại đám với giá 1.700 đồng/kg, trừ chi phí thuê công thu hoạch, tôi bỏ túi 7 triệu đồng. Còn theo ông Bùi Thanh An ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), gia đình ông vừa thu hoạch 1ha sắn, năng suất củ tươi đạt 15 tấn/ha. Mặc dù năng suất thấp hơn các năm trước do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài, nhưng nhờ giá sắn tăng nên sau khi trừ chi phí, ông Long thu lãi 16 triệu đồng. “Giá sắn tăng cao nhưng đang vào thời điểm cuối vụ, sắn trên gò đồi còn lại rất ít nên nhiều người tiếc nuối”, ông An nói.
Ông Đặng Xuân Tình, một người thu mua sắn ở huyện Đồng Xuân, cho biết: Nhà có xe tải nên tôi lên các vùng gò đồi của xã Sơn Long, Sơn Định mua sắn chở về bán cho nhà máy, tuy nhiên phải mua góp 2-3 chủ mới đủ chuyến xe.
Năm nay, người trồng sắn gặp khó vì đầu vụ thu hoạch gặp mưa kéo dài, độ bột thấp nên có người chỉ bán được với giá 500-600 đồng/kg; đám sắn nào nũng thối thì người trồng trắng tay. Đến giữa vụ, sắn củ nhích lên 900 đồng/kg, nhưng năng suất quá thấp nên trung bình 1ha sắn thu lãi không quá 2 triệu đồng; nhiều người chuyển sang trồng keo. Còn hiện nay, giá sắn tăng cao, nông dân thu hoạch xong thì đầu tư trồng vụ sắn mới. Dọc theo các vùng gò đồi từ xã Sơn Long, Sơn Định qua các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nông dân đang cày đất, chặt cây sắn giống trồng vụ mới. Ông Huỳnh Văn Chỉnh ở xã Xuân Quang 3, cho hay: Tôi vừa thu hoạch 2 giạ giống sắn (4 sào), định chuyển sang trồng keo nhưng thấy giá sắn tăng nên tôi đầu tư trồng vụ mới.
Trên các vùng gò đồi của xã Sông Hinh, Ea Bia, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), nông dân cũng đang làm cỏ, chăm sóc vụ sắn mới. Riêng tại xã Sông Hinh, sắn mới trồng đã bị héo lá. Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Sông Hinh, ra thăm đám sắn sau nhà, cho hay: Sắn nhà tôi và một số hộ trong thôn mới trồng đã bị đỏ lá. Năm ngoái, vùng này bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng, phải ngắt đọt đốt tránh lây lan.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, huyện có trên 7.000ha sắn, tập trung ở các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly, Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng, trong đó có hơn 30% diện tích sắn cao sản. Huyện đã yêu cầu nông dân đầu tư các giống mới, ít sâu bệnh, mang lại năng suất cao; đồng thời khuyến cáo bà con cần luân canh, xen canh sắn với các loại cây trồng khác để cải tạo đất, có chế độ bón phân hợp lý để đất không bị bạc màu.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Niên vụ sắn 2017-2018, nông dân trong tỉnh trồng 20.500ha. Hiện nay rệp sáp bột hồng có khả năng phát sinh gây hại trên sắn mới trồng, vì vậy nông dân và các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường điều tra phát hiện rệp sáp bột hồng hại sắn để sớm có biện pháp phòng trừ. Các địa phương cũng nên quản lý lại diện tích trồng sắn theo quy hoạch, khuyến cáo người dân không vì giá sắn tăng mà ồ ạt trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch, thiệt hại về kinh tế.
TRÂM TRÂN